Theo thông tin phản ánh từ báo chí, tính đến trung tuần tháng Chạp 2013, lượng vé tồn đọng khoảng 21.000 cho 2 chiều đi các tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh. Dư luận cho rằng, ngành đường sắt đã tăng giá vé quá cao, gần bằng giá vé máy bay các hãng, cùng tuyến, trong khi dịch vụ lại không tương xứng.
Tuy nhiên, trả lời phóng viên Thương hiệu & Công luận, lãnh đạo các ngành chức năng cho rằng, báo chí đang thiếu thiện chí với ngành đường sắt và việc tăng giá vé cũng chỉ là “lấy thu bù chi”?…
Thời điểm hiện tại, mỗi ngày có khoảng 14.000 lượt khách đi tàu
Không có chuyện “ế” vé
Phủ nhận thông tin tồn 9.000 vé chiều từ TP. Hồ Chí Minh và 12.000 vé chiều từ Hà Nội vào, chủ yếu ở các ga từ Hà Nội đến Thanh Hóa vào TP. Hồ Chí Minh, ông Vũ Đình Rậu, Trưởng Ga Hà Nội phản ánh: “Chúng tôi không biết thông tin mà báo chí đã đưa về việc tồn ế vé có từ đâu? Nhưng dùng từ “ế” khi chúng tôi mới tiến hành bán vé là không có thiện chí. Thống kê từ ngành đường sắt cho biết, thời điểm trong Tết, có khoảng 90.000 lượt hành khách mua vé tàu, trong đó có 50.000 lượt khách đi tàu Thống nhất, 40.000 lượt khách đi tàu địa phương.
Tại Ga Hà Nội, tính từ giáp Tết (từ khoảng 28 tháng Chạp – Âm lịch) đến thời điểm hiện tại, lượng vé tàu cung ứng ra rất đều đặn. Các chuyến tàu địa phương đi tuyến ngắn như Hà Nội – Nam Định, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Thanh Hóa – Vinh…, hầu hết còn phải bán thêm ghế phụ. Thời điểm cận Tết đến hiện tại, trung bình mỗi ngày có khoảng 14.000 lượt hành khách đi tàu”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại giá vé đi từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh, đối với tàu Thống nhất là 392.000 đồng/vé ngồi mềm, 486.000 đồng/vé ngồi mềm có điều hòa, vé nằm tùy theo khoang, toa, có điều hòa hoặc không có điều hòa từ 492.000 - 746.000 đồng/vé. Tuy nhiên, giá vé của tàu cao tốc lại đắt hơn hẳn, giá vé nằm có điều hòa các tàu cao tốc chất lượng cao thường cao hơn gấp 3 - 4 lần loại vé tương ứng của tàu thường.
Cụ thể, với tàu SE4, chạy các ngày 30 Tết đến 3 Tết, giá vé ngồi mềm chiều từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh là 990.000 đồng/vé, ngồi mềm có điều hòa khoảng 1,3 triệu đồng, các loại vé nằm dao động từ 1.285.000 đồng đến gần 2 triệu đồng/vé. Giá vé tàu SE3 (chạy từ 4 đến 16/1 ÂL) với ghế ngồi mềm và ngồi mềm có điều hòa có giá từ 1,3 - 1,7 triệu đồng/vé, tăng hơn giá vé tàu SE4 từ 300.000 – 400.000 đồng, riêng vé nằm có giá từ khoảng 1,7 triệu đến gần 2,1 triệu đồng… Giá vé đi các loại tàu, các tuyến ngắn có tăng, giảm theo quy định, mức tăng không quá 7% so với giá vé Tết 2013.
Theo ông Vũ Đình Rậu, Trưởng Ga Hà Nội, lượng khách đi tàu trong dịp Tết Giáp Ngọ không tăng, nhưng cũng không giảm. Nếu đi đúng lộ trình bán vé, thì lượng vé tồn đọng cũng không nhiều, chứ chưa nói là “ế” như báo chí đã phản ánh. Những vé tồn đọng lại, thường là những loại vé đắt tiền và vé dành cho ghế phụ, ghế bổ sung, còn hầu hết ghế nằm và ghế cứng các tàu thống nhất đều đã kín chỗ.
Tăng giá vé cũng chỉ để… “lấy thu bù chi”?
Trước đó, trả lời báo giới về vấn đề tồn đọng vé và chất lượng dịch vụ, ông Nguyễn Văn Bính, Phó tổng giám đốc Công ty Vận tải hành khách Đường sắt Hà Nội cho biết, giá vé tàu tăng 2 - 10% dịp Tết, là do tăng thêm 7 đôi tàu chạy rỗng một chiều nên phải tăng giá vé để bù đắp thu - chi. Còn với giá vé tàu ngày thường được cho là cao, ông Bính cho biết mức giá này đã được ngành đường sắt tính toán, xây dựng dựa trên giá thành chi phí đầu vào như nhập khẩu phụ tùng, chi phí lao động lớn... nên tính vào giá vé để “lấy thu bù chi”. Tuy vậy, mỗi năm ngành đường sắt cũng phải bù lỗ tới 90 tỷ đồng cho 5 đoàn tàu địa phương, trong khi đó, chỉ có 2 tuyến Hà Nội - Lào Cai và Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh là kinh doanh có lãi.
Bàn về vấn đề giá vé và dịch vụ ngành đường sắt, ông Rậu cho biết, ông không muốn bình luận gì, bởi giá vé là việc tính toán theo lộ trình, được cấp trên phê duyệt và do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Công ty Vận chuyển hành khách Hà Nội quản lý, Ga Hà Nội chỉ bán vé với giá được giao, được niêm yết tại từng thời điểm, chứ không bán cao hơn mức giá quy định. Trên tinh thần đó, khách hàng hoàn toàn có quyền lựa chọn cho mình dịch vụ của tàu hay bất cứ dịch vụ của loại hình vận tải nào…
Ông Nguyễn Hữu Tuyên, Trưởng ban Kinh doanh vận tải Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: “Trên thực tế, giá vé Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 chỉ tăng từ 2% - 7% so với giá vé Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Thời điểm hiện tại, giá vé mới chỉ tăng cao nhất ở mức 7%, trong khi giá các nguyên liệu đầu vào như than, củi, điện, nước và giá các dịch vụ đều tăng, cũng chỉ là giải pháp “lấy thu bù chi”. Việc tăng giá vé tàu Tết Giáp Ngọ là lộ trình tăng theo đúng quy định, được chia làm 5 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1 tính từ 14/1 đến 19/1/2014, tăng chiều chẵn 6%, chiều lẻ không tăng; Giai đoạn 2 tính từ ngày 20/1 đến 29/1/2014 (tức là từ 20 - 29 Tết) giá vé tàu mác chẵn tăng 10% vé tàu ngồi, tàu mác lẻ tăng 2%, vé giường nằm không tăng; Giai đoạn 3 được tính từ 30 Tết đến hết 3 Tết, tăng 6% các loại ghế ngồi ở tất cả các mác tàu chẵn và lẻ, giá vé giường nằm không tăng; Giai đoạn 4 tính từ ngày 4 tháng Giêng đến hết 16 tháng Giêng Âm lịch tăng chiều tàu có số lẻ, mức tăng bình quân là 10%, chiều tàu số chẵn tăng bình quân 2%, vé giường nằm không tăng; Giai đoạn 5 tính từ ngày 16 tháng Giêng đến hết 22 tháng Giêng Âm lịch, tăng ở chiều tàu có số lẻ, chiều chẵn không tăng giá vé…
Theo ông Tuyến, việc so sánh giá vé và dịch vụ của tàu hỏa với các phương tiện khác là tùy quan điểm của mỗi người, ông không có quyền phát ngôn, nhận xét chất lượng dịch vụ của loại hình phương tiện này tốt hơn chất lượng dịch vụ của loại hình phương tiện kia và ngược lại. Việc lỗ lãi cũng chưa tính được, vì đến thời điểm hiện tại, giá vé mới tăng tối đa ở mức 7%, giá vé từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh thì tăng, nhưng chiều ngược lại lại đang giảm cho tất cả các tuyến, giá vé chiều từ TP.Hồ Chí Minh ra Hà Nội có loại tàu giảm sâu, chỉ còn 330.000 đồng/vé...
Ông Nguyễn Hữu Tuyên, Trưởng ban Kinh doanh vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: “Chúng tôi bán dịch vụ theo giá thị trường, bán thứ hàng được thị trường chấp nhận. Nếu khách hàng lựa chọn dịch vụ của chúng tôi, tức là khách hàng đã chấp nhận giá thành và dịch vụ. Nếu khách hàng từ chối các dịch vụ của chúng tôi, khách hàng có quyền không mua vé, không đi tàu. Hành khách là người mua hàng, là người có quyền lựa chọn “món hàng” theo điều kiện và sở thích của mình”. Ông Vũ Đình Rậu, trưởng Ga Hà Nội: “Nếu chia lượng vé tàu bán ra trong các thời điểm cận Tết, trong Tết và sau Tết, thành 3 đợt tương ứng, thì đợt 1 chúng tôi bán được 90.000 vé, đợt 2 bán khoảng 120.000 vé thời điểm sau Tết đến hết 11 tháng Giêng bán thêm khoảng 80.000 vé. Hiện tại, lượng vé còn lại chủ yếu là vé ngồi cứng và vé phụ. Tuy nhiên, tồn đọng bao nhiêu, loại vé nào, tuyến nào thì chúng tôi chưa thể thống kê được, phải đợi hết lộ trình bán vé Tết và đợi các ga thống kê lại”. |
Nguyễn Hạnh