THCLCông tác y tế dự phòng đã được Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế xác định là một trọng tâm của toàn ngành. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, y tế dự phòng đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Việt Nam được đánh giá là “Điểm sáng” về triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng trong khu vực và trên thế giới
Nhân dịp Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), cùng điểm lại một số mốc son đáng nhớ của Y tế dự phòng.
1. Thanh toán dịch bệnh nguy hiểm
Việt Nam đã thanh toán được bệnh đậu mùa vào năm 1978, thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005; nhiều bệnh dịch nguy hiểm đã được khống chế và đẩy lùi như dịch tả, dịch hạch, sốt rét...
2. Khống chế và ngăn chặn hiệu quả các dịch bệnh
Việt Nam vinh dự được Tổ chức Y tế thế giới công nhận là nước đầu tiên trên thế giới khống chế thành công đại dịch SARS sau 45 ngày kinh hoàng phòng chống dịch bệnh. Đồng thời cũng đã chủ động ngăn ngừa các dịch bệnh, không để xâm nhập vào Việt Nam trong khi các nước trong khu vực có dịch như cúm A(H7N9), MERS-CoV, Ebola…
Trong công tác phòng chống dịch, Việt Nam đã góp phần quan trọng vào lĩnh vực an ninh y tế toàn cầu. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch SARS năm 2003, cũng như là quốc gia đầu tiên của Khu vực Tây Thái Bình Dương thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2010.
3. Nâng tỷ lệ tiêm chủng bao phủ trên toàn quốc
Trong nhiều năm qua, Việt Nam được đánh giá là “Điểm sáng” về triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) trong khu vực và trên thế giới.
Năm 2000, Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá và công nhận Thanh toán Bại liệt tại Việt Nam; Năm 2005: Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá và công nhận loại trừ Uốn ván sơ sinh trên quy mô tuyến huyện.
Năm 2007, Bill Gates thăm và làm việc với Chương trình TCMR Việt Nam và đánh giá cao mô hình tổ chức và những thành quả mà Chương trình TCMR ở Việt Nam đã đạt được.
Năm 2009, Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) tặng kỷ niệm chương cho Chương trình TCMR ở Việt Nam về những đóng góp làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em tại Hội nghị thường niên.
Năm 2010, nhân dịp 10 năm sử dụng VVM, Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá cao Việt Nam triển khai tốt việc áp dụng chỉ thị nhiệt độ lọ vắc xin trong TCMR.
Nhiều chuyên gia các nước, các tổ chức quốc tế được cử sang trao đổi, học hỏi kinh nghiệm triển khai TCMR của Việt Nam, nhiều hội thảo và các khóa đào tạo quốc tế về TCMR được tổ chức tại Việt Nam cho thấy sự ghi nhận và đánh giá cao của các tổ chức quốc tế.
4. Tự sản xuất vắc xin đạt tiêu chuẩn quốc tế
GS. TS. Nguyễn Thanh Long cho biết, Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin (NRA) của Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn của WHO. Việt Nam là một trong 39 quốc gia trên thế giới đạt tiêu chuẩn khắt khe này của WHO và được thế giới công nhận về chất lượng vắc xin.
Việt Nam cũng đã sản xuất được 10/12 loại vắc xin và được Tổ chức Y tế thế giới công nhận Cơ quan quản lý vắc xin của Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế NRA. Thành công này không những giúp tiết kiệm chi phí nhập khẩu vắc xin ngoại mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu cho vắc xin nội, đồng thời hỗ trợ tích cực cho công tác tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam.
5. Được ghi nhận là quốc gia có năng lực giám sát, phòng chống dịch
Năm 2013, Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận đạt các năng lực cốt lõi của Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR). Các dịch bệnh khác như cúm H5N1, H7N9, H1N1, H2N3, Ebola… được khống chế thành công, không để dịch xâm nhập vào Việt Nam.
Với những thành công đó, Việt Nam là 1 trong 2 quốc gia trên thế giới được Chính phủ Hoa Kỳ chọn thí điểm tham gia Mạng lưới an ninh y tế toàn cầu. Công tác phòng, chống lao, sốt rét, HIV cũng được được bảo đảm và đạt các kết quả tích cực, là cơ sở để Việt Nam được các nước mời chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực này.
6. Góp phần nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe học sinh
Ngành đã phối hợp liên ngành với Bộ Giáo dục & Đào tạo để triển khai đầy đủ và kịp thời các biện pháp chăm sóc trẻ em trong độ tuổi đến trường tại các trường học. Vai trò của công tác y tế trong trường học bắt đầu được chú trọng hơn.
Hoạt động y tế trường học tập trung công tác chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh học đường cho học sinh, phòng chống dịch bệnh có nguy cơ lây truyền trong trường học, đồng thời cũng là nơi đầu tiên sơ cấp cứu cho học sinh trong những trường hợp các em ốm hoặc tai nạn thương tích tại trường trước khi chuyển viện.
Cán bộ y tế trường học cũng là người tham mưu cho Hiệu trưởng và tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, triển khai các chương trình phòng chống dịch, bệnh, tật cho học sinh trong trường.
7. Việt Nam sớm đạt các mục tiêu thiên niên kỷ về y tế
Việt Nam là một trong 10 quốc gia đi đầu trên thế giới trong việc thực hiện đúng lộ trình Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), đặc biệt là 5 mục tiêu liên quan đến y tế. Việt Nam đã hoàn thành và cần duy trì bền vững các chỉ tiêu giảm 1/2 tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em và giảm 1/2 tỷ lệ người dân không được tiếp cận nước an toàn và điều kiện vệ sinh cơ bản.
Các mục tiêu còn lại đều đã giảm nhanh và đạt mục tiêu đề ra vào năm 2015, đó là: giảm 2/3 tỷ suất tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi; giảm 3/4 tỷ số tử vong mẹ; phổ cập tiếp cận chăm sóc sức khỏe sinh sản; chặn đứng và bắt đầu đẩy lùi sự lây lan của HIV/AIDS; tiếp cận phổ cập tới điều trị HIV/AIDS cho tất cả những người có nhu cầu; chặn đứng và bắt đầu giảm số trường hợp mắc sốt rét và các bệnh phổ biến khác.
8. Hội nhập quốc tế
Liên tiếp những năm qua, Việt Nam đã đăng cai tổ chức và chủ trì thành công nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế lớn và các sự kiện quốc tế quan trọng như: Hội nghị Bộ trưởng APEC về cúm gia cầm và đại dịch cúm; Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN, ASEAN+3; Hội nghị các đối tác Liên minh tiêm chủng và vaccine toàn cầu; Hội nghị khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO. Việc tổ chức thành công các sự kiện y tế quốc tế quan trọng đã khẳng định thêm một bước quá trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào nền y tế thế giới.
Nga Trần