“Ưu ái” đầu tư?
Tháng 7/2015, UBND tỉnh Yên Bái cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH MTV đá trắng Bảo Lai (địa chỉ thôn Ngòi Kèn, xã Liễu Đô, Lục Yên, Yên Bái), thực hiện Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chế biến đá vôi trắng trên địa bàn thôn Đào Kiều, xã Hưng Thịnh, huyện Yên Bình với dự kiến đất sử dụng là 15 ha.
Một phần diện tích mặt nước, đất đồi bị san lấp
Giấy chứng nhận đầu tư xác định, mỗi năm dự án sẽ sản xuất, cung cấp đá vôi trắng qua chế biến cho thị trường trong nước và xuất khẩu khoảng 5 triệu m2 đá xẻ và 1,5 triệu tấn sản phẩm đá chipform và bột đá siêu mịn; tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương. Tổng vốn đầu tư vào dự án (dự kiến) hơn 460 tỷ đồng; thời gian thực hiện trong vòng 50 năm.
Ngày 19/10/2015, UBND tỉnh Yên Bái có Văn bản 2367/UBND-TNMT gửi Sở TN&MT, Sở Tài chính và Sở KH&ĐT, UBND huyện Yên Bình và Công ty TNHH MTV đá trắng Bảo Lai (gọi tắt là Công ty Bảo Lai), đồng ý cho tổ chức đo đạc, thực hiện công tác bồi thường, GPMB để triển khai dự án theo hình thức thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất trên cơ sở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch và theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, ngày 25/11/2015, UBND tỉnh Yên Bái lại có Quyết định chủ trương đầu tư số 2515/QĐ-UBND thay thế giấy chứng nhận đầu tư trước đây. Theo quyết định này, diện tích sử dụng đất đã được thay đổi từ 15 ha, lên 31,8 ha (bao gồm 19,2 ha đất và 12,6 ha mặt nước hồ Thác Bà). Vốn đầu tư vào dự án tăng từ 460 tỷ, lên 1.320 tỷ đồng, sản phẩm sản xuất hàng năm rút xuống còn 310.000 tấn sản phẩm đá chipfrom và bột đá siêu mịn; đá block nhân tạo 7.000m3/năm và đá xẻ tự nhiên và nhân tạo chỉ còn 875.000 m2/năm.
Chính từ việc thay đổi chủ trương đầu tư nên diện tích mặt nước hồ Thác Bà cũng bị thay đổi: Hơn 12 ha theo quy hoạch sẽ phải san lấp!
Doanh nghiệp đang gấp rút xây dựng nhà máy...
Trả lời PV, ông Tạ Văn Long, Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: Mọi quyết định, chủ trương đầu tư dự án này đều được thực hiện theo quy định của pháp luật.
“Phía tỉnh có chủ trương từ Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sau đó thông qua HĐND và UBND tỉnh ban hành văn bản cho phép đầu tư, thực hiện dự án”, ông Long thông tin.
Nguy cơ ảnh hưởng môi trường
Có một thực tế, đầu năm 2015, khi chủ đầu tư bắt tay triển khai dự án đã vấp phải phản ứng từ phía Công ty CP Thủy điện Thác Bà. Lý do bởi quá trình thi công dự án, chủ đầu tư đã đổ đất, lấn xuống lòng hồ Thác Bà, vào mùa mưa có nguy cơ bùn đất theo dòng chảy đổ vào nhà máy thủy điện, ảnh hưởng tới nguồn phát điện.
Chính vì vậy, ngày 22/9/2015, UBND tỉnh Yên Bái có Văn bản số 2147/UBND-TNMT giao Sở TNMT kiểm tra và xử lý tình hình sử dụng đất, theo phản ánh của Công ty CP Thủy điện Thác Bà.
Tại thời điểm kiểm tra (16/10/2015), Thanh tra Sở TNMT Yên Bái phát hiện có hiện tượng đổ đất xuống lòng hồ. Theo đó, tổng diện tích san gạt, thi công xây dựng trong dự án khoảng 15 ha.
Nhiều diện tích đất đồi được san, gạt ảnh hưởng tới lòng hồ Thác Bà
Cũng tại buổi kiểm tra này, Giám đốc Công ty CP Thủy Điện Thác Bà (khi đó là ông Nguyễn Văn Quyền) có ý kiến cho rằng: “Cần có phương án để ngăn chặn và tránh tình trạng san, gạt đất xuống lòng hồ trong quá trình thực hiện dự án”.
Tiếp thu ý kiến trên, ông Vũ Thanh Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Bảo Lai cam kết không để tình trạng san, gạt đất làm ảnh hưởng đến dung tích lòng hồ Thác Bà.
Ông Hiếu cũng hứa sẽ gửi bản thiết kế dự án để Công ty Thủy điện Thác Bà giám sát việc thực hiện dự án.
Nhưng có một điều lạ đó là tại buổi kiểm tra, bà Trần Kim Oanh, Trưởng phòng ĐKKD - Sở KH&ĐT Yên Bái lại “gợi ý” cho chủ đầu tư sớm hoàn thiện hồ sơ xin điều chỉnh dự án (?!).
Phải chăng, chính từ sự gợi ý đó nên ngày 25/11/2015, UBND tỉnh Yên Bái quyết định… “thôn tính” hơn 12,6 ha mặt nước hồ Thác Bà để cho Công ty Bảo Lai mở rộng dự án?
Hồ Thác Bà là một trong 3 hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, là nơi cung cấp nguồn nước cho Nhà máy Thủy điện Thác Bà - công trình thủy điện đầu tiên của Việt Nam. Hồ Thác Bà có chiều dài 80 km, chiều rộng nơi lớn nhất 30 km, diện tích 23.400 ha, trong đó diện tích mặt nước 19.050 ha; hồ có sức chứa 3 - 3,9 tỷ mét khối nước, mực nước dao động từ 46 - 58 m, đã góp phần rất lớn vào việc cải tạo và điều hòa môi trường, làm giảm nhiệt độ mùa hè 1 - 2ºC, tăng độ ẩm tuyệt đối vào mùa khô lên 20% và lượng mưa từ 1.700 - 2.000 mm, tạo điều kiện duy trì thảm thực vật xanh tốt quanh năm.
Không chỉ cung cấp nguồn nước cho thủy điện, nơi đây còn là vùng nuôi trồng thủy sản khá lớn của tỉnh Yên Bái. Bên cạnh đó, hồ Thác Bà còn là một thắng cảnh hùng vĩ - một di tích lịch sử quan trọng, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích lịch sử danh thắng cấp quốc gia theo Quyết định số 2410/QĐ-VH ngày 27/9/1996. Ngoài ra, hiện nay, nước hồ Thác Bà còn đang được sử dụng làm nguồn nước sinh hoạt cho người dân thành phố Yên Bái, sử dụng hàng ngày...
Với tầm quan trọng của hồ Thác Bà như vậy nên có ý kiến cho rằng, môi trường, môi sinh và cảnh quan hồ Thác Bà sẽ chịu tác động từ dự án là điều không thể tránh khỏi! Nhiều người băn khoăn, những giải pháp đảm bảo môi trường, cảnh quan của hồ Thác Bà sẽ được chủ đầu tư thực hiện như thế nào và đến đâu? Bởi lẽ, trả lời báo chí ngày 31/3, ông Hà Mạnh Cường, Phó giám đốc Sở TNMT Yên Bái cho biết, chủ đầu tư đang hoàn thiện ĐTM nộp cho Sở thẩm định, sau đó trình UBND tỉnh phê duyệt.
Ông Cường cũng cho biết thêm, về nguyên tắc, chủ đầu tư phải có ĐTM mới được triển khai dự án.
Nhưng theo ghi nhận của PV, dự án Nhà máy sản xuất đá vôi trắng của Công ty Bảo Lai đã khởi công và thực hiện san lấp mặt bằng từ năm 2015. Đến thời điểm hiện tại, giai đoạn 1 của nhà máy đang được chủ đầu tư gấp rút hoàn thiện và dự kiến đến tháng 11/2017, nhà máy này sẽ đi vào hoạt động chính thức…
Chính Nhi-Linh Tuệ