Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa công bố thông tin về thị trường lao động quý I/2017. Cụ thể, cả nước có 1.101,7 nghìn người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, giảm 8,3 nghìn người so với quý IV/2016.
Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp nhóm có trình độ cao đẳng và đại học trở lên giảm đáng kể so với quý IV/2016. Số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 138,8 nghìn người, giảm 80 nghìn người so với quý IV/2016; tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này là 2,79%, giảm mạnh so với 4,43% của quý trước.
Trình độ cao đẳng có 104,2 nghìn người không có việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp nhóm này giảm còn 6%, tuy nhiên vẫn ở mức cao nhất. Nhóm trình độ trung cấp có 83,2 nghìn người thất nghiệp, tăng 13 nghìn người, tỷ lệ thất nghiệp là 3,08%. So với quý IV/2016, số thanh niên thất nghiệp trên cả nước cũng đã giảm 38,2 nghìn người.
Bên cạnh đó, thu nhập của lao động làm công hưởng lương tăng khá cao so với quý IV/2016 và cùng kỳ năm trước.
Quý I/2017, thu nhập bình quân tháng từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương là 5,4 triệu đồng, tăng 323 ngàn đồng (6,4%) so với quý IV/2016 và tăng 318 nghìn đồng (6,3%) so cùng kỳ 2016. Đa số lao động trong các ngành có thu nhập tăng trừ ngành vận tải, kho bãi, dịch vụ, lưu trú và ăn uống.
Nếu tính theo trình độ lao động, nhóm có trình độ đại học và trên đại học có mức thu nhập cao nhất (8,23 triệu đồng). Song đáng lưu ý là thu nhập của nhóm lao động có trình độ sơ cấp (6,3 triệu đồng) lại cao hơn nhóm có trình độ trung cấp và cao đẳng.
Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho rằng, nhóm sơ cấp có thu nhập cao hơn là do chủ yếu làm theo khoán sản phẩm, trong khi nhóm trung cấp và cao đẳng tính theo giờ làm việc. Tuy nhiên, thống kê này vẫn chỉ ở mức tổng thể, chưa đi vào chi tiết từng ngành nghề để xác định cụ thể nhóm ngành nghề, trình độ.
Trong số lao động làm công hưởng lương thuộc nhóm thu nhập thấp, có đến 81,4% là lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật.
Hoan Nguyễn