Cụ thể, trong quý 4/2016, tổng số người thất nghiệp là 1,1 triệu, giảm khoảng 7.000 người so với quí 3/2016. Tỷ lệ thất nghiệp chung của quý 4/2016 là 2,31%, quý trước là 2,34%.
Dù tình hình thất nghiệp chung có khả quan hơn nhưng tình trạng thất nghiệp đang có xu hướng tăng ở nhóm có trình độ đại học trở lên (trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ). Theo đó, trong tổng số hơn 470.000 người có trình độ chuyên môn kỹ thuật thất nghiệp trong quý 4/2016, có tới gần 50% là người có trình độ đại học trở lên, với khoảng hơn 218.000 người, tăng 16.500 người so với quý trước.
Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm người trình độ sơ cấp nghề có xu hướng tăng
Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm người có trình độ sơ cấp nghề và chứng chỉ nghề dưới ba tháng cũng có xu hướng tăng. Cụ thể, số người có trình độ sơ cấp nghề thất nghiệp tăng từ 29.000 người lên hơn 40.000 người; số người có chứng chỉ nghề dưới ba tháng bị thất nghiệp tăng từ gần 10.000 người lên hơn 17.000 người.
Chỉ nhóm lao động có trình độ trung cấp và cao đẳng là có số người thất nghiệp giảm, với lần lượt khoảng 14.000 và 6.000 người.
Xét về cơ cấu tuổi, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên vẫn thuộc nhóm cao nhất. Theo đó, số người thất nghiệp trong độ tuổi từ 15 đến 24 tuổi khoảng gần 587.000 người, tương đương với tỷ lệ 7,28%, dù con số này có giảm nhẹ so với quý trước đó nhưng nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ năm 2015, và gấp hơn ba lần tỷ lệ thất nghiệp chung (2,31%).
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng đề án đưa lao động có trình độ, chuyên môn cao đi làm việc ở nước ngoài. Đây là bước đi nhằm tận dụng nguồn lao động dôi dư trong nước, cụ thể là khoảng 218.000 cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ đang thất nghiệp. Lao động ra nước ngoài làm việc có thể tiếp thu được kiến thức, trình độ và tác phong làm việc chuyên nghiệp ở nước ngoài. Nhưng đây là một bài toán khó!
Hoan Nguyễn