THCL Quý 3/2016, cả nước có tới 1.117.700 người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 29.000 người so với quý 2.2016. Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở nhóm có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp là 8,36%, tăng mạnh so với quý trước; tiếp theo là nhóm đại học trở lên 4,22% và trung cấp chuyên nghiệp là 3,79%.
Lao động thất nghiệp tăng về số lượng và tỷ lệ
Mới đây (2/12), tại buổi họp báo công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức , ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, thống kê thất nghiệp tăng cả về số lượng và tỷ lệ, nhất là ở nhóm thanh niên. Đặc biệt, số lượng lao động có trình độ chuyên môn thất nghiệp đang tăng. Trong đó, người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp, đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất.
Quý 3/2026, số lao động có trình độ cao đẳng, đại học tiếp tục tăng mạnh
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, quý 3/2016 cả nước có tới 1.117.700 người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 29.000 người so với quý 2.2016. Trong số những người thất nghiệp, có 456.100 người có chuyên môn kỹ thuật. Số người thất nghiệp nhiều nhất ở nhóm trình độ đại học trở lên là 202.300 người, tăng 1.100 người so với quý 2/2016; cao đẳng chuyên nghiệp 122.400 người, tăng 112.970 người so với quý 2/2016 và trung cấp chuyên nghiệp 73.800 người, tăng gần 14.000 người.
Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở nhóm có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp là 8,36%, tăng mạnh so với quý trước; tiếp theo là nhóm đại học trở lên 4,22% và trung cấp chuyên nghiệp là 3,79%. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên là 7,86%, tăng 0,75% so với quý trước, cao gấp gần 4 lần so với tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động.
Được biết, trong quý 3/2016 có 908.700 lao động có thời gian làm việc dưới 35 giờ/tuần. Riêng số người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm là 774.000 người, tăng 53.000 người so với quý 2/2016. 85% lao động khu vực nông thôn thiếu việc làm. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi quý 3 là 1,66%, tăng 0,1% điểm so với quý 2/2016.
Chuyển dịch cơ cấu lao động chậm
Số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, quý 3 năm nay, dân số từ 15 tuổi trở lên đạt 71,03 triệu người, giảm 0,69% so với cùng kỳ năm trước. Quy mô lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 54,43 triệu người, tăng 0,21% so cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, chất lượng lao động tiếp tục được cải thiện. Quý 3/2016, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có chuyên môn kỹ thuật với bằng cấp/chứng chỉ từ 3 tháng trở lên là 11,42 triệu người, chiếm 20,98% lực lượng lao động, tăng 441.000 người so với quý 3 năm trước.
Trong đó, tăng mạnh ở nhóm cao đẳng nghề (26,86%), tiếp đến là nhóm đại học trở lên (4,55%), sơ cấp nghề (4,06%), tiếp đến là trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng chuyên nghiệp...
Đáng chú ý, số người có việc làm tăng nhưng chuyển dịch việc làm chưa bền vững. Bởi vì quý 3/2016 có tới 53,27 triệu người có việc làm, tăng 33,3 nghìn người so quý 2/2016 và tăng 104.6 nghìn người so với quý 3 năm ngoái. Nhưng tỷ trọng lao động làm việc ở khu vực nông thôn giảm nhẹ so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp: “Chuyển dịch cơ cấu lao động sang khu vực công nghiệp và dịch vụ còn chậm, tỷ trọng lao động làm việc trong ngành công nghiệp – xây dựng tăng 0,4 điểm phần trăm và ở ngành dịch vụ tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động làm công hưởng lương giảm, số người làm việc trong khu vực nhà nước, hộ nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm nhưng lại tăng đáng kể ở khu vực kinh doanh cá thể”.
Hoan Nguyễn