Trong một thời gian dài đến hiện nay, các trường đại học và cao đẳng hệ chính quy của Việt nam vẫn đào tạo số lượng sinh viên theo chỉ tiêu được Bộ Giáo dục và Đào tạo phân bổ cho các trường. Căn cứ vào đó các trường sẽ tiếp nhận và đào tạo thí sinh theo chỉ tiêu này.
Việc làm trên trong nhiều năm, đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng tạo ra cơ chế xin- cho, nảy sinh ra tiêu cực các trường phải “chạy” chỉ tiêu, móc ngoặc để có thể được nhiều chỉ tiêu đào tạo hơn và chỉ tiêu đào tạo phân bổ như vậy xa rời với nhu cầu của xã hội.
Sinh viên đào tạo ra trường không đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Ngành thì quá thừa, ngành thì quá thiếu và do đào tạo như vậy dẫn đến sinh viên tốt nghiệp ra trường không có đủ kiến thức thực hành dẫn đến ra trường thất nghiệp, không xin được việc làm hoặc nếu có xin được việc làm thì cũng không có đủ năng lực làm việc. Thực tế trên, dẫn đến các đơn vị tiếp nhận lao động phải đào tạo lại, gây lãng phí về tài chính, khó khăn cho đơn vị tuyển dụng, lãng phí nguồn lao động của nhà nước, lãng phí tiền của của nhân dân, và bức xúc cho toàn xã hội.
Việc phân bổ chỉ tiêu đào tạo xa rời thực tế, không theo quy luật của thị trường “cung phải theo cầu” đã dẫn đến nhiều hệ lụy ngay trong việc đào tạo. Vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu một số trường phải bỏ đào tạo một số ngành, do đào tạo ra quá nhiều so với nhu cầu sử dụng dẫn đến thất nghiệp tràn lan, sinh viên ra trường không có việc làm. Trong khi đó nhu cầu lao động có tay nghề của xã hội vẫn còn rất thiếu.
Đứng trước những khó khăn và thực tế như trên, đâu là giải pháp để giải quyết tình trạng này. Trước hết, phải dừng ngay việc đào tạo theo chỉ tiêu phân bổ và tổ chức đào tạo theo hướng chỉ đào tạo theo yêu cầu thực tế của thị trường, không đào tạo tràn lan như hiện nay, bằng cách:
Căn cứ vào nhu cầu của các đơn vị sử dụng lao động tổ chức cho các trường ký kết hợp đồng đào tạo cho các đơn vị sử dụng lao động. Trước mắt Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào số lượng và ngành nghề đã đăng ký để giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường. Sau đó Bộ tiến đến giao quyền tự chủ đào tạo cho các trường được đào tạo theo nhu cầu của xã hội.
Nếu trường nào không ký được hợp đồng đào tạo thì không cho đào tạo để tránh cho sinh viên khi ra trường thất nghiệp.
Yêu cầu các đơn vị tuyển dụng lao động khi ký hợp đồng đào tạo với các trường phải hỗ trợ kinh phí cho sinh viên, để họ có trách nhiệm với sinh viên khi ra trường, giúp cho sinh viên có nguồn kinh phí để trang trải cho cuộc sống và học tập, làm cho sinh viên tập trung cho việc học tập hơn,nâng cao được kiến thức cho sinh viên.
Gắn liền việc đào tạo lý thuyết ở trường với việc thực tập, thực hành thường xuyên tại cơ sở tuyển dụng đã ký kết hợp đồng , giúp cho sinh viên làm quen với công việc sau này ra trường mình sẽ làm, để sau khi ra trường sinh viên có thể bắt tay ngay vào công việc không còn phải bỏ thời gian lãng phí để làm quen với công việc thực tế.
Đồng thời, đối với sinh viên phải ký cam kết với trường nếu học tập không đạt yêu cầu và ra trường không làm việc tại đơn vị tuyển dụng thì phải bồi hoàn lại số tiền chi phí đào tạo, có như vậy sinh viên sẽ có trách nhiệm, ý thức về việc học tập và tin tưởng vào công việc sau khi ra trường.
Nếu làm được như vậy, chúng ta mới có thể đào tạo được số lượng sinh viên, ngành nghề đáp ứng được nhu cầu lao động thực tế của xã hội, trình độ lý thuyết và thực hành của sinh viên ra trường mới đáp ứng được đòi hỏi của công việc tránh được nạn thất nghiệp tràn lan như hiện nay.
Thái Bình