Vi phạm pháp luật và tội phạm về an toàn thực phẩm phổ biến

Báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC năm 2017, do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày cho thấy, năm 2017, Chính phủ, TAND, VKSND đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, bảo đảm giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần quan trọng phát triển KT-XH đất nước.

Các báo cáo đã phản ánh khá đầy đủ kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc trên các mặt công tác và đề ra các giải pháp khắc phục.

Ủy ban Tư pháp đồng tình với đánh giá của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; nhận thấy Chính phủ, các ngành, các cấp đã có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác này.

Tuy nhiên, vẫn còn 7 nhóm tội phạm và vi phạm pháp luật rất đáng quan tâm. Những vi phạm pháp luật và tội phạm này không chỉ mới xuất hiện trong năm 2017 mà đã kéo dài nhiều nằm và đang tiếp tục gia gia tăng với tính chất ngày càng nghiêm trọng, cho thấy hiệu quả công tác phòng ngừa còn nhiều hạn chế.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc buông lỏng quản lý, né tránh, nể nang, chưa xử lý nghiêm người đứng đầu, có trách nhiệm quản lý để xảy ra vi phạm, thậm chí có trường hợp “bảo kê” cho vi phạm.

Ủy ban Tư pháp đề nghị, Chính phủ xử lý nghiêm vi  phạm, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, kéo dài như: tình trạng phá rừng, khai thác cát sỏi trái phép…

Với việc phát hiện, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, năm 2017, công tác này có chuyển biến tích cực, nhiều vụ việc được xử lý kịp thời, các vụ án trọng án được khám phá nhanh, đạt tỷ lệ cao. Tuy nhiên, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực tài nguyên môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng giả, trốn thuế vẫn rất phổ biến nhưng số vụ được phát hiện, xử lý không nhiều…

Số lượng vi phạm pháp luật hành chính rất lớn, trong đó có nhiều vi phạm nghiêm trọng có dấu hiệu hình sự nhưng số vụ kiến nghị xử lý hình sự không nhiều. Dư luận và cử tri cho rằng, nhiều trường hợp còn có biểu hiện “hành chính hóa” quan hệ hình sự, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm. “Đây là vấn đề Ủy ban Tư pháp đã kiến nghị với Chính phủ nhiều năm nhưng đến nay chưa được khắc phục”, Chủ nhiệm UB Lê Thị Nga nhấn mạnh.

32 bị can bị oan trong giai đoạn điều tra, truy tố

Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với đánh giá của Viện trưởng VKSNDTC về những kết quả đạt được và nhận thấy, năm 2017, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của VKSND tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Số lượng tố giác, tin báo về tội phạm được kiểm sát tăng. Công tác xét phê chuẩn việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn cơ bản đúng pháp luật.

Báo cáo thẩm tra cũng chỉ rõ, một số VKSND chưa kiểm sát chặt chẽ, kịp thời việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, nhất là đối với các tố giác, tin báo về tham nhũng. Vẫn còn xảy ra nhiều trường hợp quá hạn tạm giam, tạm giữ. Tiến độ, chất lượng giải quyết một số vụ án vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, đáng lưu lý còn 32 bị can bị oan trong giai đoạn điều tra, truy tố. Tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung đối với các vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng tăng…

Năm 2017 chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan

Với công tác xét xử của TAND các cấp, theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, năm 2017 chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Hình phạt được áp dụng cơ bản nghiêm minh, đúng pháp luật.

Bên cạnh đó, Báo cáo thẩm tra cũng chỉ rõ, vẫn còn một tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa. Tỷ lệ Tòa án chấp nhận kháng nghị phúc thẩm của VKS tăng so với cùng kỳ năm trước. Một số trường hợp TA tuyên mức án chưa tương xứng với tính chất và mức độ của hành vi phạm tội, còn 0,5% trong tổng số các trường hợp cho hưởng án treo không đúng quy định, phải sửa án. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao, tỷ lệ án hủy tăng so với năm 2016, chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu Nghị quyết của QH.

Nguyên nhân của tình trạng này là do đánh giá chứng cứ chưa toàn diện và vẫn còn biểu hiện ngại va chạm với chính quyền. “Đây vẫn là hạn chế lớn nhất trong công tác xét xử án hành chính của TAND đã tồn tại nhiều năm nay”, Chủ nhiệm UB Lê Thị Nga nhận định.

Ủy ban Tư pháp cũng tán thành với đánh giá của Chính phủ về kết quả đạt được trong công tác thi hành án, trong đó có thi hành án dân sự. Số việc thi hành án dân sự xong năm 2017 đạt tỷ lệ cao, trong đó các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng tăng 8.046 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc chấp hành các quy định mới về việc xác minh điều kiện thi hành án ở nhiều địa phương vẫn còn xảy ra sai phạm. Số án có điều kiện thi hành, nhưng chưa tổ chức thi hành xong phải chuyển năm sau còn lớn…

Hoan Nguyễn