Bác Hồ về thăm và động viên quân, dân thành phố
Ngày 3/7/1954, ủy ban quân quản thành phố Nam Định được thành lập, đã công bố 8 chính sách và 10 điều kỷ luật đối với vùng mới giải phóng.
Từ năm 1955 - 1957, thành phố Nam Định khôi phục cơ bản hoạt động các nhà máy, phát triển thêm các cơ sở sản xuất, vận động nhân dân tích cực trồng lúa, hoa màu. Các hoạt động giáo dục, văn hóa được củng cố, đời sống của nhân dân được cải thiện.
Với những kết quả đó, ngày 24/4/1957, thành phố Nam Định được vinh dự đón Bác Hồ về thăm lần thứ hai, động viên cán bộ, công nhân Nhà máy dệt Nam Định.
Năm 1962 - 1974, với sự đầu tư lớn của Trung ương và sự viện trợ máy móc hiện đại của các nước xã hội chủ nghĩa, nhà máy Liên hợp dệt Nam Định trở thành trung tâm dệt - sợi - nhuộm lớn nhất miền Bắc. Ngành dệt Nam Định đã trở thành biểu tượng của thành phố, có vị thế và đóng góp to lớn về công nghiệp cho cả miền Bắc.
Ngày 22/5/1963, thành phố Nam Định vinh dự đón Bác Hồ về thăm lần thứ 3 và nói chuyện, động viên hàng ngàn nhân dân tại quảng trường Hòa Bình.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân thành phố Nam Định cùng với nhân dân toàn miền Bắc chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, dồn sức chi viện cho tiền tuyến miền Nam, chiến đấu chống lại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt 2 lần chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, thành phố Nam Định cùng Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng là một trong những trọng điểm bị đánh phá ác liệt.
Mặc dù vừa phải sơ tán người, trang thiết bị máy móc, vừa phải đảm bảo sản xuất, công tác, học tập, chiến đấu, song với tinh thần mỗi người dân làm việc bằng hai, quân dân thành phố vẫn đảm bảo và hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế phục vụ chiến đấu và chi viện cho chiến trường miền Nam.
Trong cuộc không kích 12 ngày đêm của đế quốc Mỹ tại Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh phía Bắc vào tháng 12/1972, quân và dân thành phố Nam Định đã bắn rơi 18 máy bay Mỹ.
Những chiến công, đóng góp to lớn của quân, dân thành phố Nam Định cùng với thắng lợi cả nước buộc đế quốc Mỹ phải trở lại đàm phán, ký kết hiệp định Paris ngày 27/1/1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Ghi nhận những thành tích, công lao đóng góp trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng nhân dân thành phố Nam Định nhiều huân chương, huy chương; phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho quân và dân thành phố năm 1978.
Thu hút đầu tư, mở rộng địa giới hành chính
Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Thành phố Nam Định tiếp tục là thủ phủ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Hà Nam Ninh (sáp nhập từ 3 tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam).
Thời kỳ 1981 - 1985, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân thành phố Nam Định đã đoàn kết vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tích quan trọng. Phát huy truyền thống thành phố Dệt anh hùng, cán bộ, công nhân Nhà máy Liên hợp dệt đã khắc phục mọi khó khăn, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra.
Những kết quả trên chính là nền tảng quan trọng, mở ra thời kỳ mới để Đảng bộ thành phố Nam Định bước vào thực hiện sự nghiệp xây dựng thành phố trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Dưới ánh sáng đổi mới của Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986), thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, các hợp tác xã nông nghiệp tiếp tục đổi mới quản lý, tổ chức kinh doanh dịch vụ sản xuất nông nghiệp.
Khắc phục khó khăn thời kỳ hậu bao cấp, trong các năm 1991 - 1997, hạ tầng giao thông, đô thị thành phố Nam Định được đầu tư xây dựng phát triển mở rộng. Đầu năm 1997, sau khi chia tách tỉnh Nam Hà, tái lập tỉnh Nam Định, điều chỉnh địa giới hành chính, thành phố Nam Định chuyển 3 xã Mỹ Tân, Mỹ Trung, Mỹ Phúc về huyện Mỹ Lộc và sáp nhập 2 xã Nam Vân, Nam Phong vào thành phố như hiện nay.
Giai đoạn năm 2000 - 2005, bằng nhiều nguồn vốn đầu tư, thành phố Nam Định tiếp tục mở rộng không gian khu vực nội thành, nâng cấp hạ tầng giao thông, đô thị. Quá trình đô thị hóa nhanh làm thay đổi diện mạo thành phố, tăng khả năng kết nối giao thông với thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Từ năm 2006 trở đi, thành phố Nam Định tiếp tục đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông, hoàn chỉnh đồng bộ từ hè, đường, thoát nước, cấp nước, điện chiếu sáng. Các khu đô thị, khu tái định cư được đầu tư hiện đại mở rộng không gian đô thị.
Với quá trình vươn lên, phát triển không ngừng, thành phố Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2011.
Sau khi được công nhận là đô thị loại I, tỉnh và thành phố đã tập trung xây dựng, phát triển thành phố Nam Định hình thành rõ nét một số chức năng Trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
Từ năm 2010 - 2020, tỉnh và thành phố tăng cường xây dựng, nâng cấp các công trình hạ tầng; tăng cường xúc tiến đầu tư, huy động các nguồn vốn, hoàn thành các công trình lớn, qua đó góp phần quan trọng vào quá trình nâng cấp, hiện đại hạ tầng đô thị.
Sau 13 năm là Đô thị loại I trực thuộc tỉnh, ngày 5/5/2024, Chính phủ ký quyết định công nhận thành phố Nam Định (dự kiến mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập huyện Mỹ Lộc) đạt tiêu chí đô thị loại II.
Phạm Thịnh - Mai Chiến