Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu, Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc bấy giờ là Nguyễn Ái Quốc) đã cho ra mắt tờ báo Thanh Niên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Ảnh tư liệu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với hoạt động báo chí. Ảnh tư liệu.

Từ đó tạo ra dòng báo Cách Mạng. Các tờ báo được chuyển về nước bằng nhiều con đường bí mật và phổ biến rộng rãi với quần chúng nhân dân về chủ nghĩa Mác - Lê Nin, sau này báo Thanh niên được xem là Cơ quan ngôn luận của tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội”.

Từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, rất nhiều tờ báo ra đời ở Sài Gòn, Hà Nội và một số địa phương khác, hình thành nên nhiều nhóm nhỏ lẻ gồm nhiều nhà văn, nhà báo, nhà trí thức có khuynh hướng chính trị khác nhau, điều này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng chính trị đối với quần chúng, nhân dân, vì vậy cần hình thành một tổ chức báo chí thống nhất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà báo vĩ đại mà còn là người khai sinh và đặt nền móng vững chắc cho báo chí cách mạng Việt Nam. Trong gần 50 năm hoạt động báo chí, Bác đã viết hơn 2.000 bài báo, gần 300 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký, bằng gần 200 bút danh, đã để lại cho các thế hệ nhà báo nhiều bài học lớn về nghề báo. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Người từng căn dặn: “Mỗi bài báo là một tờ hịch cách mạng”, “Người không có đạo đức tốt thì không thể là nhà báo tốt”.

Ảnh báo Bắc Giang.
Ảnh báo Bắc Giang.

Ngày Báo chí Việt Nam chính thức ra đời vào ngày 21/6/1925 do Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra Quyết định số 52 - QĐ/TW, ngày 05/02/1985. Trải qua các thời kì hình thành và phát triển, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi ngày Báo chí Việt Nam là “Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam” vào ngày 21/6/2000.

Ngày Báo chí Cách Mạng Việt Nam hình thành mang ý nghĩa to lớn, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân cũng như tăng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của người tuyên truyền thông tin, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến quần chúng nhân dân.

Đồng thời, có chức năng phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, tiêu cực, góp phần tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và góp phần để xây dựng, bảo vệ tổ quốc.

Ảnh internet.
Ảnh internet.
 

Trong suốt chặng đường gần một thế kỷ, báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn và thách thức. Những năm tháng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, báo chí cách mạng luôn là ngọn cờ tiên phong, là tiếng nói mạnh mẽ cổ vũ tinh thần chiến đấu và lòng yêu nước của quân và dân ta. Nhiều nhà báo đã không ngại hy sinh, sẵn sàng ra trận để mang lại những tin tức chân thực nhất từ mặt trận về cho nhân dân.

Thời kỳ đổi mới (1986) mở ra một trang mới cho báo chí cách mạng Việt Nam. Sự đổi mới về tư duy, cách thức đưa tin và tiếp cận thông tin đã giúp báo chí cách mạng ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của công chúng. Báo chí không chỉ dừng lại ở việc đưa tin, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng một nền kinh tế - xã hội lành mạnh và phát triển bền vững.

Báo chí cách mạng Việt Nam đã trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là công cụ quan trọng trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Qua đó, báo chí đã góp phần không nhỏ vào việc củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Ảnh tạp chí Tuyên giáo.
Ảnh tạp chí Tuyên giáo.

Không chỉ vậy, báo chí cách mạng còn tích cực tham gia vào các phong trào xã hội, từ việc kêu gọi ủng hộ đồng bào gặp thiên tai, khó khăn, đến việc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng. Những chiến dịch báo chí mạnh mẽ, có sức lan tỏa lớn đã góp phần làm thay đổi nhận thức xã hội, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Kỷ niệm 99 năm ngày thành lập, báo chí cách mạng Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức mới trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0. Sự bùng nổ của internet và các mạng xã hội đã tạo ra một môi trường thông tin mới, đa dạng và phong phú hơn, nhưng cũng đòi hỏi báo chí cách mạng phải không ngừng đổi mới, sáng tạo để giữ vững vai trò và vị trí của mình.

Nhìn lại chặng đường 99 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam có quyền tự hào về những thành tựu đã đạt được. Những bài học quý báu từ quá khứ sẽ là hành trang vững chắc để báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PV