Đẩy mạnh công tác tuyên truyền 

Theo Bộ Công thương (2015), với dân số lên đến hơn 90 triệu dân, trong đó 49% sử dụng internet và 34% sử dụng di động để truy cập internet, thương mại điện tử (TMĐT) được đánh giá là đầy tiềm năng phát triển tại Việt Nam.

Đến năm 2015, hầu hết các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại trong cả nước cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) khi mua hàng. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán thẻ đã được cải thiện, số lượng ATM và máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS) có tốc độ tăng trưởng nhanh. Năm 2015, giá trị mua hàng trực tuyến ước tính đạt khoảng 160 USD/người. Tổng doanh thu bán hàng qua các hình thức TMĐT tại Việt Nam năm 2015 đạt 4,07 tỷ USD, tuy nhiên, mới chỉ chiếm 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Agribank: Góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam - Hình 1

Tính chung giai đoạn 2011-2015, việc sử dụng thẻ điện tử ở Việt Nam ngày càng tăng, giúp việc tiêu thụ hàng hóa tăng 0,22% và đóng góp của lưu hành thẻ vào GDP Việt Nam đạt hơn 800 triệu USD. Năm 2015, giá trị giao dịch ATM đã đạt mức 1.564 nghìn tỷ đồng, mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Với việc tất cả các chỉ số về thanh toán thẻ như tổng giá trị giao dịch qua các máy ATM, các tài khoản thanh toán cá nhân hay qua POS đều tăng. Điều này cho thấy, xu hướng sử dụng thẻ trong thanh toán của người Việt ngày càng phổ biến. 

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến cuối tháng 4/2019, trên toàn quốc có hơn 18.700 ATM, hơn (tăng tương ứng 4,25% so với cùng kỳ năm ngoái), số POS đạt được 266.700 POS và hiện đã được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn, đang mở rộng đến các đơn vị cung cấp dịch vụ công (cơ sở y tế, bệnh viện, trường học,...); và trong 5 tháng đầu năm cho thấy, tổng giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt trên 64.160 nghìn giao dịch, tương ứng với gần 35.728 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 23,23% về số lượng giao dịch và 17,63% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm ngoái).

Các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán như việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ POS,... cũng đang được phát triển để phù hợp với xu thế của thế giới và hành vi người tiêu dùng. Người tiêu dùng cũng thay đổi thói quen, tương tác chủ yếu qua các kênh số trên thiết bị di động với tất cả các dịch vụ trong xã hội, từ tin tức, âm nhạc, phim ảnh cho đến giao hàng, gọi xe, lưu trú và cả trong dịch vụ ngân hàng - tài chính và thanh toán.

Đặc biệt, thanh toán dịch vụ công đã đạt được những kết quả khả quan với 50 ngân hàng đã thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với cơ quan thuế, hải quan; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện, doanh thu tiền điện của ngành điện thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%; 100% cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế đã bắt đầu triển khai đề án phối hợp với các ngân hàng để thu hộ tiền khám chữa bệnh...

Phát triển sản phẩm dịch vụ và kênh thanh toán hiện đại là hướng đi bền vững của Agribank

Nhận thấy, mục đích và lợi ích trong việc thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ và ngành Ngân hàng,  Agribank đã triển khai đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ cũng như các kênh cung ứng dịch vụ ngân hàng mới dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Qua đó, sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận, thu hút khách hàng, nhất là người dân sinh sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu và vùng xa mà không cần quá chú trọng vào việc phát triển mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch với chi phí đầu tư và duy trì hoạt động lớn. 

Minh chứng cho điều đó, Agribank đã cung cấp cho khách hàng trên 200 sản phẩm dịch vụ truyền thống theo 10 nhóm Huy động vốn, Thanh toán trong nước, Thanh toán quốc tế, Thẻ, Treasury, Ngân quỹ, Quản lý tiền tệ, Dịch vụ ngân hàng điện tử (E-Banking)... Bên cạnh đó, dịch vụ E-Banking có sức hấp dẫn rất lớn đối với khách hàng bởi những tiện ích rõ ràng mà loại hình dịch vụ này mang lại như: Khách hàng có thể kiểm tra thông tin hoặc thực hiện các giao dịch với tài khoản ngân hàng mà không cần tới quầy giao dịch; tiết kiệm thời gian, chi phí, giao dịch nhanh gọn và thuận tiện. Theo số liệu báo cáo của Agribank cho thấy, đã có 7,4 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ E-Banking (2018), doanh thu từ dịch vụ này đạt 390 tỷ đồng (năm 2018) chiếm 7% tổng doanh thu dịch vụ toàn hệ thống, tăng 271,4% so với năm 2013.

Agribank: Góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam - Hình 2

Với việc chủ động nâng cấp, trang bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ,  Agribank đã lắp đặt, trang bị 2.883 máy ATM và 20.781 thiết bị POS trên toàn hệ thống. ATM/POS của Agribank phân bổ trên khắp các địa bàn từ miền ngược đến miền xuôi, từ vùng sâu vùng xa cho tới hải đảo; đồng thời việc kịp thời lắp đặt thiết bị chống sao chép dữ liệu anti-skimming tại 100% các máy ATM, đã giúp khách hàng hoàn toàn yên tâm khi giao dịch tại đây. Với nhiều tiện ích từ sản phẩm dịch vụ thẻ, Agribank đã chinh phục và phát hành đạt 2,19 triệu thẻ (2015); 11,8 triệu thẻ (2018); doanh số thanh toán đạt 511.000 tỷ đồng/năm và doanh số sử dụng thẻ đạt 416.000 tỷ đồng/năm; Thu dịch vụ thẻ đạt 1.183 tỷ đồng (2018), nguồn tiền gửi không kỳ hạn qua thẻ đạt trên 33.000 tỷ đồng (2018); Agribank giữ vững vị thế trong Top 3 ngân hàng dẫn đầu thị trường thẻ.

Đặc biệt, Agribank đã triển khai, lắp đặt và đưa vào hoạt động 46 máy CDM trên một số chi nhánh trong hệ thống. Ngoài những tiện ích thông thường như máy ATM (rút tiền, chuyển khoản, vấn tin số dư, thanh toán hóa đơn…) còn có thêm tiện ích vượt trội như: gửi tiền trực tuyến vào tài khoản 24/7 và mở tài khoản tiền gửi trực tuyến (gửi tiền tiết kiệm); các tính năng của máy CDM không khó thao tác ngay cả với khách hàng lần đầu sử dụng dịch vụ...

Agribank: Góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam - Hình 3

Tuy nhiên, theo đại diện của Agribank thì phương thức thanh toán trực tuyến ở Việt Nam chưa phát triển như kỳ vọng, giao dịch không dùng tiền mặt trong tổng số giao dịch mới chỉ đạt mức trên 5%; Tỉ lệ người dân có tài khoản NH ở Việt Nam chỉ 30,8%, hầu hết người dân Việt Nam vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt khi có đến 90% các giao dịch bằng thẻ đơn thuần chỉ là rút tiền tại máy ATM và chỉ có 10% còn lại là dùng để thanh toán qua POS. . . 

Việc chủ động tuyên truyền các hình thức TTKDTM thông qua việc mở rộng Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ hành chính công như thuế, điện nước, học phí… theo Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 với các sản phẩm dịch vụ và kịp thời cho khách hàng là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với Agribank giai đoạn 2016-2020, như là một trong những minh chứng hiện hữu cho thấy Agribank đang chuyển mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên công nghệ số 4.0, có đóng góp tích cực cùng ngành ngân hàng đối với tiến trình hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Minh Trung