Ngân hàng duy nhất cho vay xây dựng nông thôn mới đến 100% số xã trong cả nước
Trong suốt hành trình gần 35 năm gắn với sứ mệnh “Tam nông”, Agribank luôn kiên định vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn. Ngân hàng triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách và 02 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Agribank luôn dành trên 65% tổng dư nợ nền kinh tế đầu tư phát triển “Tam nông” (nguồn vốn Agribank chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam); qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và công cuộc xóa đói giảm nghèo của đất nước.
Bắt đầu từ 11 xã được chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2011 với dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới vào thời điểm đó là 336 tỷ đồng dư nợ và khoảng 8000 khách hàng, đến nay, Agribank là ngân hàng duy nhất triển khai cho vay xây dựng nông thôn mới đến 100% số xã trong cả nước với dư nợ đạt trên 600.000 tỷ đồng, với hơn 2,1 triệu khách hàng.
Để đảm bảo cung ứng kịp thời nguồn vốn, dịch vụ tiện ích phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng, người dân, doanh nghiệp, Agribank chủ động nghiên cứu, triển khai nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp thực tiễn hoạt động để cùng hệ thống chính trị triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới: Agribank ký kết thỏa thuận với Trung ương Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, phát triển trên 69.000 tổ vay vốn, ngân hàng lưu động bằng ô tô chuyên dùng đưa vốn và trên 200 dịch vụ ngân hàng tiện ích phục vụ người dân, nhất là khu vực nông nghiệp, vùng sâu, vùng xa có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, trở thành những người nông dân hiện đại, đóng góp xây dựng nông thôn văn minh.
Góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng nông thôn mới
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/08/2022 phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021- 2025. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Phát huy vai trò chủ lực của ngân hàng thương mại chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn, cùng ngành ngân hàng và hệ thống chính trị tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Tổng giám đốc Agribank mới đây đã có văn bản chỉ đạo toàn hệ thống nghiên cứu, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với từng đối tượng khách hàng, đặc biệt là khách hàng trên địa bàn nông thôn (hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các đối tượng của các dự án chuyên đề của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới); tiếp tục đơn giản hóa thủ tục vay vốn, công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục cho vay, tạo điều kiện thuận lợi đối với khách hàng trong tiếp cận vốn…; chủ động cân đối, bố trí nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/09/2018 của Chính phủ; cho vay đối với các nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021- 2025 (OCOP).
Qua đó, Agribank tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, nghiêm túc, chủ lực đối với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nói riêng và thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngân hàng thương mại trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 hướng đến mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Phấn đấu cả nước có khoảng 17-19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; phấn đấu 60% số thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc (gọi là thôn) thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới do UBND cấp tỉnh quy định.
Quyết tâm cùng ngành ngân hàng và hệ thống chính trị triển khai hiệu quả các nhiệm vụ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2021-2025, đạt được các mục tiêu nêu trên, Agribank chủ động sẵn sàng các giải pháp để củng cố, tăng cường vị trí truyền thống, kiên định sứ mệnh “Tam nông”, ưu tiên nguồn lực phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, để nông nghiệp, nông dân, nông thôn thực sự là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế- xã hội; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Diệu Linh