Thông tin vừa được Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại buổi làm việc của Đoàn công tác của Thủ tướng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng làm trưởng đoàn với tỉnh Vĩnh Long.
Trong bối cảnh yêu cầu từ thị trường quốc tế ngày càng khắt khe, đòi hỏi chất lượng gạo phải được nâng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm thiểu sử dụng đầu vào sản xuất có nguồn gốc hóa học và sản xuất giảm phát thải, ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phải “chuyển mình”. Từ bối cảnh trên, ngày 27/11/2023 tại Quyết định số 1490/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030”.
Đề án được ban hành với mục tiêu “Hình thành 01 triệu ha vùng lúa chuyên canh chất lượng cao phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao hiệu quả thu nhập và đời sống của người trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ổn định xã hội, nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới và hướng tới một ngành hàng lúa gạo minh bạch, trách nhiệm và bền vững”. Ngân hàng Nhà nước được giao nghiên cứu, đề xuất xây dựng Chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp.
Để triển khai nhiệm vụ được giao, theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức các buổi làm việc, bước đầu phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các đơn vị có liên quan để trao đổi, thống nhất một số nội dung, cách thức triển khai Chương trình cho vay.
Với vai trò NHTM chủ lực trong đầu tư phát triển “Tam nông”, đi đầu trong triển khai tín dụng chính sách, Agribank được Ngân hàng Nhà nước tin tưởng sẽ thực hiện nhiệm vụ là ngân hàng chủ lực triển khai chương trình kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn vay với chi phí phù hợp cho tất cả các khâu (trồng, thu mua, chế biến, tiêu thụ).
Trong những năm qua, tích cực đóng góp vào hiện đại hóa nền nông nghiệp, chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải, quản lý tài nguyên bền vững, phát triển cho vay chuỗi giá trị…
Agribank cũng đã tham gia 04 dự án với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với gần 60 triệu USD (khoảng 1.500 tỷ đồng). Hiện nay, Agribank đang tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện 04 dự án khác (khoảng 1.200 tỷ đồng).
Với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Agribank và Bộ NN&PTNT đã ký kết Bản ghi nhớ triển khai Chương trình hợp tác cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho các đối tượng thuộc Đề án. Theo đó, Agribank sẽ tư vấn, hỗ trợ và cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng như: dịch vụ tiền gửi, dịch vụ tiền vay, dịch vụ tài chính... phù hợp với mục tiêu Đề án cho các đối tượng tham gia.
Đồng bằng Sông Cửu Long là một trong những khu vực phát triển kinh tế trọng điểm, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank luôn tích cực triển khai quyết liệt, đồng bộ các chính sách tín dụng phục vụ “Tam nông” và các chương trình tín dụng đặc thù. Đến nay, dư nợ cho vay của Agribank đối với lĩnh vực lúa gạo tại khu vực ĐBSCL đạt hơn 30 ngàn tỷ đồng với hơn 33 ngàn khách hàng, là khu vực cho vay ngành lúa, gạo lớn nhất cả nước.
Minh Anh