Chuyển biến từ nhận thức đến hành động
Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) nhấn mạnh, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, doanh nghiệp trong nước nâng cao chất lượng sản phẩm; hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng, tiết kiệm nguồn ngoại tệ cho đất nước.
Bám sát nội dung Thông báo Kết luận số 264-TB/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 08-HD/ĐUK ngày 03/12/2009 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương (DNTW), của Ngân hàng Nhà nước, Đảng ủy Agribank đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng quy chế, phân công nhiệm vụ đối với các thành viên Ban chỉ đạo cuộc vận động; tổ chức học tập, quán triệt và triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của Đảng ủy cấp trên về các nội dung Cuộc vận động đến toàn thể cán bộ, đảng viên và người lao động trong Đảng bộ, đồng thời chỉ đạo các cấp uỷ đảng cơ sở, chuyên môn tổ chức thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện cụ thể của từng đơn vị; Thực hiện chủ trương “Cán bộ Agribank ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của Agribank” và vận động người thân tham gia hưởng ứng.
Trong hoàn cảnh phát triển mới, Agribank nghiên cứu xây dựng kế hoạch triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025; Chỉ đạo Công đoàn, Đoàn thanh niên Agribank phát động và triển khai thực hiện chương trình “Cán bộ Agribank tiếp tục sử dụng sản phẩm dịch vụ của Agribank”, triển khai cuộc cách mạng 4.0 gắn với cuộc vận động.
Xây dựng chương trình hành động, chỉ đạo tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của Agribank, qua đó nêu cao tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, nhận thức đúng đắn về khả năng sản xuất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, ưu tiên mua sắm, dùng hàng Việt Nam khi có nhu cầu là hành động biểu hiện lòng yêu nước, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.
Agribank không trực tiếp sản xuất ra sản phẩm tiêu dùng vật chất, tham gia hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động chủ yếu thông qua hoạt động đầu tư phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu. Trong đó, tập trung đầu tư phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân với tỷ trọng vốn đầu tư hiện nay chiếm 70% vốn đầu tư cho nền kinh tế.
Thực hiện chủ trương đưa dịch vụ ngân hàng tiếp cận đến cộng đồng, thông qua hệ thống mạng lưới gần 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch đến tận cấp xã trên toàn quốc, Agribank là NHTM duy nhất đang có mặt tại 9/13 huyện đảo cả nước, triển khai mô hình điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng.
Tính đến 30/06/2021, Agribank đã triển khai 68 xe ô tô trên 66 chi nhánh, 454 xã, với 1.622.201 khách hàng, 17.065 phiên giao dịch, giải ngân 6.182 tỷ đồng, thu nợ 6.834 tỷ đồng, huy động tiết kiệm 3.767 tỷ đồng, dịch vụ chuyển tiền đạt 4.847 tỷ đồng.
Ngoài ra, Agribank thực hiện các gói tín dụng được hỗ trợ lãi suất (thấp hơn từ 0,5-2,5% so với lãi suất cho vay thông thường) đã đồng hành nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nuôi trồng, chế biến sản phẩm nông nghiệp cạnh tranh thành công với sản phẩm nhập khẩu (điển hình là lúa gạo, các sản phẩm rau quả, trái cây đặc sản…).
Tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có về cơ sở vật chất, hệ thống mạng lưới, tuyên truyền rộng rãi qua các kênh truyền thông nội bộ (màn hình ATM, Website Agribank, Tờ thông tin Agribank, Bản tin nội bộ Agribank, Agribank News, Fanpage Agribank,…) và các kênh mạng xã hội khác, đồng thời xây dựng “đại sứ thương hiệu” thông qua đội ngũ cán bộ nhân viên Agribank - kênh tiếp thị quảng bá sản phẩm dịch vụ (SPDV) hiệu quả và có sức lan tỏa mạnh mẽ đến khách hàng.
Từ 2009 đến nay, Agribank đã ký kết Thoả thuận hợp tác với nhiều tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị ngoài Khối DNTW có vị thế chiến lược trong nền kinh tế, với tổng giá trị thực hiện trên 116.538 tỷ đồng (tổng cộng có 33 thỏa thuận hợp tác, trong đó 18 thỏa thuận hợp tác với các đơn vị trong Khối DNTW như: BIDV, Vietinbank, Tổng Công ty hàng không Việt Nam, MobiFone, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, VNPT, Tập đoàn Cao su Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội...; 15 thỏa thuận hợp tác với các đơn vị khác như: Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn FLC, Trưởng đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân, Bộ Công an...).
Thông qua việc hợp tác đã phát triển cung ứng SPDV thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số; nâng cao chất lượng, hiệu quả các SPDV hiện có, đồng thời tiếp tục mở rộng SPDV mới có tính thương hiệu cao; mở rộng cho vay đối với khách hàng theo các gói SPDV…
Agribank đã và đang nêu cao trách nhiệm trong công tác triển khai, phối hợp, nâng cao hiệu quả tuyên truyền và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hiệu quả mang lại từ Cuộc vận động làm thay đổi nhận thức, thói quen của cán bộ, người lao động trong hệ thống Agribank ưu tiên chọn lựa mua hàng Việt Nam, nhờ đó thúc đẩy sản xuất hàng Việt, mở rộng thị trường hàng hóa Việt nói chung, hàng hóa của các doanh nghiệp trong Khối nói riêng.
Những “trái ngọt” được lan tỏa mạnh mẽ, tại lễ Tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động, Agribank vinh dự nhận cờ Thi đua đối với Tập thể Đảng bộ Agribank và 02 Bằng khen đối với cán bộ Agribank có thành tích xuất sắc tiêu biểu qua 10 năm thực hiện Cuộc vận động giai đoạn 2009-2019 của Đảng ủy Khối DNTƯ.
Thích ứng Cuộc vận động trong tình hình mới
Để Cuộc vận động ngày càng trở nên thiết thực, công tác tuyên truyền được Ban Chỉ đạo và các cấp ủy đảng trực thuộc Đảng bộ Agribank quan tâm, triển khai nghiêm túc nội dung liên quan đến công tác quản lý, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các tiêu chuẩn hướng dẫn kỹ thuật và công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Tuyên truyền kết nối tiêu dùng; tuyên truyền, quảng bá về các sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp, ngân hàng trong và ngoài Khối. Thông tin, phản ánh kết quả thực hiện Cuộc vận động của đơn vị, nêu gương các điển hình tiêu biểu trong hưởng ứng Cuộc vận động thực hiện các chương trình: “Nông nghiệp sạch”, “Nông nghiệp hữu cơ”, “Nông nghiệp công nghệ cao”…
Tác động tiêu cực của dịch Covid-19 với nền kinh tế, xã hội, Agribank cùng ngành Ngân hàng, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối đã và đang rất tích cực thực hiện và có đóng góp toàn diện vào việc triển khai các giải pháp phòng chống đại dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới... theo Thông tư 01, 03 của NHNN đạt kết quả - cơ cấu lại, miễn giảm lãi, phí cho 12.500 khách hàng với dư nợ 30.109 tỷ đồng; cho vay mới hơn 203.000 tỷ đồng cho trên 50.000 khách hàng.
Agribank đồng thời triển khai nhiều chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi, bao gồm: Tăng gấp đôi hạn mức chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với quy mô 100.000 tỷ đồng, mức lãi suất, phí hỗ trợ tối đa 2,5%/năm; Cho vay ưu đãi đối với DNNVV quy mô 30.000 tỷ đồng, hỗ trợ mức phí tối đa 2%; Cho vay ưu đãi đối với khách hàng xuất nhập khẩu quy mô 15.000 tỷ đồng và 300 triệu USD; Cho vay khách hàng lớn quy mô 15.000 tỷ đồng; Cho vay khách hàng tiêu dùng quy mô 20.000 tỷ đồng; Cung ứng sản phẩm dịch vụ, thực hiện miễn phí chuyển tiền, tích cực thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đảm bảo an toàn cho khách hàng trong giao dịch thanh toán.
Với việc đi đầu triển khai thực hiện Cuộc vận động của Đảng ủy Agribank và các đơn vị doanh nghiệp trong Khối là những hành động thiết thực, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy sức mạnh của doanh nghiệp, chung sức, đồng lòng cùng với Đảng và Nhà nước thực hiện các giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong nước, ổn định thị trường tiêu dùng nội địa, giảm hàng hóa nhập khẩu, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Cuộc vận động đã tạo ra động lực thúc đẩy các doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị trong Khối sản xuất ra các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt hơn. Chính sự cộng hưởng này góp phần làm cho các doanh nghiệp ngày càng phát triển và khẳng định vị thế thị trường nội địa và vươn ra thị trường thế giới.
Ngày 19/05/2021, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, Agribank xây dựng kế hoạch hành động, tập trung triển khai giải pháp cơ bản.
Đầu tiên, tiếp tục tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân, cán bộ, đảng viên, đoàn viên và người lao động trong toàn hệ thống về Cuộc vận động.
Thứ hai, tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, sự phối hợp giữa Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp với chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan tuyên truyền, báo chí tạo sự thống nhất, đồng bộ trong tuyên truyền, vận động Cuộc vận động.
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, các đơn vị và tổ chức đoàn thể cần đề cao trách nhiệm trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp và triển khai tuyên truyền, vận động về Cuộc vận động với nội dung, hình thức phù hợp đảm bảo hiệu quả thiết thực; Kịp thời biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân có thành thích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động, đồng thời đấu tranh, phê phán những hành vi xem nhẹ Cuộc vận động.
Thứ ba, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong việc tuyên truyền, vận động về Cuộc vận động. Tận dụng mạng lưới rộng lớn, thông tin, giới thiệu, quảng bá, thiết lập kênh phân phối, đưa sản phẩm, dịch vụ tới nhiều đối tượng khách hàng. Tăng cường điều tra, khảo sát thị trường, thị hiếu của khách hàng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng.
Thứ tư, đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động về Cuộc vận động, phát huy ưu thế của các hình thức truyền thống, mở rộng các hình thức hiện đại phù hợp điều kiện, trình độ của người dân. Mở rộng các hình thức tuyên truyền, vận động về Cuộc vận động thông qua các kênh truyền thông bên ngoài và nội bộ, mạng xã hội của các đơn vị, cá nhân.
Tăng cường tổ chức các hình thức cổ động trực quan; phát huy ưu thế công tác tuyên truyền miệng về Cuộc vận động thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền của Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, người có uy tín, tiêu biểu, chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên…
Hoan Nguyễn