Theo đó, UBND tỉnh An Giang yêu cầu các sở, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho Nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét.
Đối với các khu vực đã phát hiện có nguy cơ sạt lở, lũ quét phải kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.
Tổ chức hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở theo quy định để ổn định đời sống cho các hộ bị mất nhà do sạt lở, lũ quét hoặc phải di dời để phòng, tránh sạt lở, lũ quét, không để người dân thiếu đói, không có chỗ ở.
UBND tỉnh An Giang cũng yêu cầu, các đơn vị liên quan rà soát kỹ, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét; hướng dẫn kỹ năng để người dân chủ động ứng phó khi có sự cố, hạn chế thiệt hại.
Về lâu dài, An Giang tăng cường kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng và hoạt động xây dựng, nhất là việc xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực địa hình ven sông, suối, kênh, rạch, vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất, sụp lún.
An Giang nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; tổ chức rà soát, thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý sử dụng đất; quản lý, bảo vệ rừng; hoạt động xây dựng; khai thác, tập kết khoáng sản trái phép đúng quy định.
Đồng thời, các đơn vị rà soát, xây dựng dự án và báo cáo UBND tỉnh An Giang để xem xét bố trí và huy động nguồn lực để thực hiện các dự án mang tính căn cơ, bài bản, bền vững, nhằm phòng, chống sạt lở, chủ động di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm do thiên tai, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét.
HC