Anh có thể mất 40.000 việc làm ngành ngân hàng vì Brexit - Hình 1
Thủ đô London của Anh - Ảnh: Getty/CNBC.

 Hãng tin CNBC dẫn một báo cáo mới được công ty tư vấn Oliver Wyman công bố cho thấy, 40.000 việc làm trong ngành ngân hàng đầu tư có thể rời khỏi London và chuyển tới các trung tâm tài chính khác ở châu Âu. Các ngân hàng tại Anh đang tìm cách duy trì quyền tiếp cận với khối thị trường chung châu Âu sau khi Anh rời khỏi khối này vào năm 2019.

Hiện tại, một loạt ngân hàng lớn, gồm Citigroup, UBS, và Barclays, đã công bố kế hoạch chuyển hàng nghìn công việc từ Anh sang các chi nhánh mới ở EU. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã yêu cầu các công ty dịch vụ tài chính trình kế hoạch điều chuyển nhân sự do Brexit trước ngày 14/7.
  
Theo kế hoạch mà các ngân hàng trình lên BoE, ngành ngân hàng đầu tư ở London có thể mất từ 12.000-17.000 việc làm. Tuy nhiên, con số này có thể tăng lên mức 40.000 trong dài hạn bởi sau Brexit, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn về thanh toán và phải tìm cách tăng cường sự cộng tác giữa nhân viên.

“Các ngân hàng đang cố gắng thiết kế mô hình hoạt động hậu Brexit để đảm bảo duy trì dịch vụ trong trường hợp Brexit cứng. Một số ngân hàng có thể xem đây là cơ hội để mở rộng sự hiện diện tại châu Âu. Tuy nhiên, phần lớn đều muốn giảm thiểu chi phí và sự gián đoạn bằng cách hạn chế tối đa sự điều chuyển nhân sự ở thời gian đầu”, báo cáo ra ngày 1/8 cho biết.

Trong trung hạn, sức ép sẽ gia tăng và buộc các ngân hàng phải dịch chuyển khỏi mô hình hoạt động ngay sau Brexit, theo báo cáo. “Những áp lực này có thể sẽ khiến các ngân hàng đầu tư phải gia tăng sự hiện diện ở EU theo thời gian”.

Oliver Wyman ước tính ngành ngân hàng đầu tư ở Anh hiện có khoảng 80.000 việc làm. 

Báo cáo của công ty tư vấn này cũng cho rằng trong trung hạn, toàn ngành dịch vụ tài chính Anh, bao gồm cả các lĩnh vực bảo hiểm và ngân hàng bán lẻ, có thể mất từ 31.000-35.000 việc làm trong trung hạn.

Sự mất mát việc làm do Brexit sẽ gây ảnh hưởng lớn không chỉ đến ngành ngân hàng Anh mà cả nền kinh tế nước này. Dịch vụ tài chính là một trong những ngành đóng góp nhiều nhất vào tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Anh. Riêng tại London, ngành này chiếm 22% GDP.

Thủ tướng Anh Theresa May hiện đang theo đuổi chủ trương Brexit “cứng”, có nghĩa là Anh rút khỏi khối thị trường chung và chấm dứt sự di chuyển tự do của dòng lao động từ EU ra vào Anh. Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Philip Hammond đã đề xuất một khoảng thời gian chuyển giao kéo dài tới 3 năm để giúp các doanh nghiệp vạch ra được kế hoạch hậu Brexit.

Tuy nhiên, báo cáo của Oliver Wyman cho rằng ngành dịch vụ tài chính Anh không thể đợi đến tận khi đó để có một kế hoạch rõ ràng. 

Diệp Vũ - vneconomy