THCL  Các nhân vật tiếng tăm trong giới tài chính ở Anh đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ Anh giảm thuế và nới lỏng các quy định hiện hành, để chống lại các tác động tiêu cực của sự kiện Anh rời khỏi EU (Brexit) đối với ngành tài chính ngân hàng.

Nhiều ông chủ ngân hàng Anh lên tiếng đòi quyền lợi sau sự kiện Brexit - Hình 1

Ngày 29/3 tới, Thủ tướng Anh Theresa May sẽ chính thức thông báo cho EU về việc Anh rút khỏi khối theo Điều 50 Hiệp ước Lisbon. Trước sự kiện này, ngành Tài chính Anh quốc đang lên tiếng để đảm bảo quyền lợi và sức cạnh tranh với các khu vực khác ở châu Âu, theo Independent ngày 20/3/2017.

“Thách thức đặt ra cho nước Anh lúc này không phải là làm thế nào để đảm bảo an toàn trước những hành động trừng phạt của EU, mà làm thế nào tạo ra những nhiều điều kiện thuận lợi để giữ chân và thu hút hoạt động đầu tư kinh doanh. Cải cách là điều tất yếu lúc này”, John McFarland, Tổng giám đốc Tập đoàn tài chính Barclays và tổ chức TheCityUK chia sẻ trong buổi trao đổi với tờ Financial Times.

Phát biểu vào hồi tháng 1, Thủ tướng Anh cho biết nếu EU thúc đẩy việc trừng phạt Anh trên các diễn đàn thương mại, thì Anh cũng không ngần ngại gì đáp trả lại bằng việc giảm thuế. Động thái này của nước Anh sẽ tạo ra sức hút mạnh mẽ cho các doanh nghiệp trên thế giới, nhưng đồng thời cũng khiến các chính trị gia châu Âu nổi cơn thịnh nộ.

Một số chuyên gia bình luận rằng cách thức đáp trả của Anh sẽ biến nước này trở thành một điểm đến kinh doanh “giá rẻ”  nhất của châu Âu.

Trao đổi với tờ Financial Times, người đứng đầu Hiệp hội Ngân hàng Anh quốc, ông Anthony Browne lên tiếng kêu gọi Chính phủ nới lỏng tiền thuế ngân hàng và thuế thu nhập doanh nghiệp, dự kiến sẽ tăng 23,3 tỷ bảng Anh trong vòng 6 năm.

“Chúng tôi hiểu Chính phủ cần thuế ngân hàng để chi trả các khoản tài chính, tuy nhiên nếu nước Anh muốn trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài thì điều luật như vậy sẽ không còn phù hợp nữa rồi”, ông Anthony Browne nhấn mạnh.

Theo quy định, ngành Dịch vụ Tài chính Anh phải đảm bảo được các tiêu chuẩn tài chính do G20 và Ủy ban Basel đặt ra. Những quy định này khác xa so với các quy định hiện hành của EU, và sẽ dẫn tới nước Anh mất khả năng tiếp cận thị trường châu Âu.

Các công ty tài chính của Anh đã lên phương án dự phòng cho những tác động tiêu cực do Brexit gây ra. Nhiều công ty đang chuẩn bị xây dựng những chi nhánh tại nhiều quốc gia châu Âu khác trong khối EU như Pháp, Đức, Cộng hòa Ireland…

Tuy nhiên, đó chỉ là những phương án dự phòng trong tình huống xấu nhất. Hiện tại, các ông trùm tài chính ở Anh vẫn rất lạc quan về triển vọng kinh tế của Anh trong năm 2017.

Dựa theo kết quả từ một cuộc khảo sát của Ngân hàng Lloyds, hơn một nửa số người tham gia khảo sát tin rằng kinh tế của Anh quốc sẽ tiếp tục đứng vững trong năm 2017. 22% trong tổng số người tham gia khảo sát hy vọng kinh tế tài chính nước Anh năm 2017 sẽ khá hơn năm 2016.

Mai Ngọc