Bà Rịa Vũng Tàu với thế mạnh phát triển du lịch, mới đây hàng loạt các “ông lớn” có tên tuổi trong lĩnh vực lưu trú, nghỉ dưỡng, du lịch Mice đã tuyên bố tạm đóng cửa, chờ tình hình dịch được kiểm soát.
Kích hoạt chế độ “ngủ đông”
Tạm đóng cửa, duy trì chế độ “ngủ đông” có thể nói là giải pháp tối ưu nhất hiện nay được nhiều khách sạn, resort có tên tuổi ở Bà Rịa –Vũng Tàu lựa chọn.
Đến thời điểm này, theo thông tin từ Hiệp hội Du lịch tỉnh, hàng loạt “ông lớn” đã tuyên bố tạm đóng cửa như: Khu nghỉ dưỡng Oceanami Villas & Beach Club (Quốc lộ 44A, huyện Đất Đỏ, BR-VT); các hệ thống khách sạn 2 đến 4 sao(TP. Vũng Tàu) như: Cao; New Wave;Mỹ Lệ; Công đoàn; Vũng Tàu Riva; Hồ Mây; San Simon, Rex…
Ông Hoàng Mạnh Cường, Phó Tổng quản lý phụ trách Khu nghỉ dưỡng Oceanami Villas & Beach Club cho biết: Từ ngày 9/5, Oceanami chính thức tạm đóng cửa, ngưng đón khách chờ tình hình dịch được kiểm soát. Lý do, lượng khách sau lễ chững lại, lượng khách đang book cũng tạm ngưng; có những đặt phòng cho tháng 6, tháng 7 thì chưa chuyển đặt cọc. Với Lượng khách thấp từ 10-20 phòng/ ngày, trong khi quy mô resort 22ha; 350 biệt thự riêng lẻ với tổng số 1.200 phòng và nhiều hạng mục, dịch vụ như Oceanami thì không đảm bảo cho vận hành kinh doanh. Một mặt tạm ngưng thời điểm này cũng nhằm để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch cho nhân viên và khách hàng.
Ông Cường cho biết thêm: 60% doanh số của Oceanami từ dịch vụ MICE (hội nghị, hội thảo, sự kiện…), số lượng khách hủy phòng hoặc chuyển sang thời gian khác khoảng 70%, kéo theo doanh số giảm 80% cho mỗi đợt dịch bùng phát. Do vậy việc tạm ngừng hoạt động trong thời điểm này được xem là tối ưu. “Chúng tôi chỉ để lại một đến hai bộ phận với nhóm nhỏ nhân viên để duy trì cảnh quan; kỹ thuật sửa chữa, dọn buồng phòng chống hôi, ẩm mốc”, ông Cường chia sẻ.
Nhiều cơ sở lưu trú mặc dù không đóng cửa hẳn, nhưng hoạt động trong tình trạng “lay lắt” cầm chừng, chủ yếu giữ thương hiệu và giữ “mối”.
Được xem là “anh cả” trong phân khúc cao cấp khối khách sạn 5 sao, Imperial Vũng Tàu không tránh khỏi tác động liên tiếp từ các đợt dịch covid 19. Mặc dù không đóng cửa nhưng Imperial phải ngưng nhiều dịch vụ, trong đó có phòng họp, sự kiện; dịch vụ spa, massage. Gói chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh “tri ân đấng sinh thành” dành cho khách hàng tiềm năng của khách sạn khá hiệu quả, hiện cũng tạm dừng. Nhân sự cắt giảm 30-40% trên tổng số gần 500 nhân viên; doanh thu giảm trên 70% so với cùng kỳ năm 2019. Các dịch vụ khác như nhà hàng biển, bãi tắm, hồ bơi… vẫn hoạt động nhưng co cụm, chấp nhận lỗ.
Ông Hoàng Ngọc Linh, Giám đốc khách sạn Green (147C Thùy Vân, Bãi Sau, Vũng Tàu), đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh BR-VT cho biết: Ngành du lịch, trong đó có kinh doanh lưu trú bị “vùi dập” vì 3 đợt dịch. Năm nay kịch bản lặp lại nhưng có phần nặng hơn vì vốn dĩ sức khỏe đã “ốm yếu” trong thời gian dài.
Không riêng lưu trú, lĩnh vực lữ hành chung số phận, gần như đóng băng hết. Tất cả các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ họ kích hoạt chế độ “ngủ đông” hoặc cầm chừng.
“Hiện tại Green Hotel gần như hoạt động cầm chừng. Khách hủy hết các sự kiện hội nghị, hội thảo. Ăn uống, lưu trú cũng ngưng. Khoảng 30 đến 40 đoàn hủy lịch trình trong tháng 5 và 6. Thực ra mở cửa để cho ấm khách sạn, chứ mỗi ngày có 1-2 phòng khách thế này thì giải pháp đóng cửa sẽ hiệu quả hơn, đỡ chi phí tiền điện, nước…Đối với doanh nghiệp tư nhân, ngoài tiền lương và chế độ bảo hiểm phải trả cho nhân viên thì họ phải gánh khoản tiền thuê tài sản không hề nhỏ lên tới vài trăm triệu mỗi tháng (Chủ đầu tư có giảm nhưng không đáng kể). Vài tháng thôi đã ngã rồi chứ đừng nói đến gần 2 năm như bây giờ”, ông Hoàng Ngọc Linh cho hay.
Chung số phận…
Hiện nay BR-VT có nhiều loại hình dịch vụ lưu trú hoạt động như khách sạn, khu nghỉ dưỡng (resort); khu vui chơi kết hợp lưu trú; căn hộ, biệt thư nghỉ dưỡng (homestay); nhà nghỉ (motel)…đều trong tình cảnh khó khăn chung.
Khu vực tập trung nhiều motel có thể kể đến các dãy nhà liển kề đường Hoàng Hoa Thám thuộc khu Á Châu, phường 2, TP. Vũng Tàu. Ở đây có hàng chục căn nhà 3 tầng san sát nhau kinh doanh loại hình motel quy mô nhỏ, trên dưới 10 phòng/ 1 cơ sở. Trong đó chiếm đến 90% cơ sở là thuê nhà để kinh doanh với mức giá từ 12 đến 17 triệu/căn nhà. Nếu không bị ảnh hưởng của covid 19 thì dịp cao điểm lễ tết, hè, nơi đây luôn nhộn nhịp, tấp nập du khách. Chủ khách sạn Quang Điệp cho hay: “Sau lễ 30/4 đến giờ, chúng tôi không có khách, đóng cửa suốt, doanh thu gần như bằng không”.
Những năm gần đây loại hình motel, lượng khách giảm đáng kể khi hàng loạt căn hộ chung cư, homestay mọc lên hút khách về. Các motel làm ăn khó, nay thêm ảnh hưởng dịch bùng phát, dịp thấp điểm gần như chơi dài.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, chủ nhà nghỉ Bầu Trời Xanh (khu Á Châu, P.2, Vũng Tàu) cho biết: Hai vợ chồng từ Lâm Đồng xuống Vũng Tàu thuê căn nhà này kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ phục vụ khách du lịch. Ảnh hưởng dịch Covid-19, các hoạt động Bar, Karaoke bị đóng cửa. Trước đây còn có khách là nhân viên các cơ sở này đến nghỉ, khách địa phương, cuối tuần có khách du lịch… nay vắng hoe hết.
Ông Hoàng chia sẻ thêm, gánh nặng nhất vẫn là tiền thuê nhà 14 triệu/tháng, thêm các chi phí điện, nước, rơi vào 20 triệu/tháng. Do dịch, chủ nhà giảm tiền thuê, thì hàng tháng vợ chồng ông vẫn phải “cõng” 15 triệu/tháng, hợp đồng thuê 3 năm. Tình hình này vợ chồng ông Quang chỉ biết xoay xở, cầm cự hy vọng tình hình sáng sủa hơn, chứ cũng không biết làm nghề gì khác.
Cần những giải pháp hỗ trợ
Theo thống kê mới nhất tính đến 19/5 của Hiệp hội du lịch tỉnh BR-VT, mức thiệt hại thấp nhất là 30% và cao nhất là 95% (đối với lĩnh vực dịch vụ ăn uống); 48% đến 98% (đối với dịch vụ lưu trú); 60% đến 100% (đối với lĩnh vực vui chơi, giải trí); đối với hoạt động lữ hành thiệt hại 95%. Các dịch vụ khác,gần như không hoạt động.
Ước tính thiệt hại về doanh thu hiện nay của các doanh nghiệp giảm từ 70% - 85% so với cùng kỳ năm 2019. Dự kiến từ quý II - III/2021 mức thiệt hại sẽ tăng thêm từ 20 – 33%.
Ông Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh BR-VT cho biết, trước hàng loạt cơ sở dịch vụ lưu trú phải tạm đóng cửa như hiện nay, Hiệp hội đã tổ chức thăm hỏi, nắm băt tình hình và đang có văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Sở Du lịch tỉnh cũng như Hiệp hội Du lịch Việt Nam để kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ có các giải pháp hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp du lịch trog thời buổi khó khăn. Trong đó, ưu tiên cho toàn thể người lao động trong ngành du lịch được tiêm Vaccin phòng ngừa Covid -19, vì đây là những người có nguy cơ lây nhiễm cao do phải tiếp xúc với cộng đồng.
Đồng thời, giảm thuế VAT cho doanh nghiệp, đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong lĩnh vực du lịch và tiếp tục gia hạn cho các doanh nghiệp chậm nộp các loại thuế. Giãn thời gian nộp BHXH cũng như tình hình biến động nhân sự tại các doanh nghiệp đến cuối năm 2021.
Cùng với đó, Hiệp hội du lịch BR-VT cũng kiến nghị chính phủ về chính sách hỗ trợ thu nhập cho người lao động ngành du lịch bị ảnh hưởng do dịch để đảm bảo an sinh xã hội cũng như giữ chân người lao động khi hết dịch. “Cần có các điều kiện mở, phù hợp thực tiễn, không “đánh đố” doanh nghiệp vốn đang “thoi thóp” mà không thể tiếp cận nguồn hỗ trợ của Chính phủ như năm 2020 vừa qua là chuyện đáng buồn”, các thành viên Hiệp hội Du lịch BR-VT phản ảnh.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ về giá điện và giá nước sinh hoạt trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Ông Phạm Ngọc Hải cho biết, trong giai đoạn “ngủ đông” này, Hiệp hội du lịch BR-VT bên cạnh tuyên truyền phòng chống dịch cho các hội viên, Hiệp hội đang lên kế hoạch phối hợp với Trường Cao đẳng Du lịch Vũng Tàu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động du lịch bằng nguồn kinh phí của Hiệp hội với hình thức đào tạo tại chỗ … Dự kiến từ nay đến giữa tháng 6/2021 thực hiện đào tạo tại 10 doanh nghiệp.
Thanh Huyền