6 tháng đầu năm 2024, tình trạng buôn bán hàng hóa nhập lậu; hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng giả vẫn diễn ra trên thị trường nhưng mức độ, quy mô nhỏ lẻ, không lớn. Với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, tình hình buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh đã có xu hướng giảm; không có hiện tượng đầu cơ găm hàng, tăng giá đột biến, tung tin thất thiệt gây rối loạn thị trường. Hàng hóa cơ bản được niêm yết giá đầy đủ, rõ ràng.
Một số vụ việc vi phạm trên không gian mạng được phát hiện và xử lý kịp thời đã giúp nâng cao nhận thức của người kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử. 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng kiểm tra, thanh tra 1.727 vụ, phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 949 vụ, 959 đối tượng vi phạm. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính, bán thanh lý hàng tịch thu và truy thu thuế gần 102 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Giang, bên cạnh xử phạt hành chính, đơn vị khởi tố 2 vụ, 2 bị can về hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm; 26 bị can về hành vi sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm là pháo nổ; 1 vụ, 1 bị can về hành vi buôn bán hàng cấm. Tuy nhiên, công tác đấu tranh ngày càng gặp trở ngại do các đối tượng thường lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước trong hoạt động xuất nhập khẩu để khai hàng hóa không đúng chủng loại, dư thừa so với tờ khai nhập khẩu; thủ đoạn ngày càng tinh vi khi sản xuất hàng giả; việc kiểm soát các trang mạng chưa theo kịp xu thế phát triển.
Tại hội nghị, các ý kiến cũng bàn về công tác phối hợp tuyên truyền, xử lý vụ việc; quản lý, thu thuế hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook, TikTok…
Phát biểu kết luận, đồng chí Phan Thế Tuấn nhấn mạnh, những tháng cuối năm, thị trường sẽ sôi động hơn do nhu cầu tiêu dùng tăng, kéo theo đó nguy cơ gia tăng hoạt động kinh doanh hàng hóa nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm, về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và gian lận trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số…
Đồng chí cho rằng, các ý kiến thảo luận tại hội nghị đã chỉ ra, nhận diện rõ những vấn đề nổi lên cần quan tâm về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian tới. Dù vậy, nhận diện được các thủ đoạn vi phạm cần đưa ra giải pháp ngăn chặn, đấu tranh kịp thời.
Để thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, đồng chí chỉ đạo các thành viên BCĐ 389 tỉnh, Trưởng BCĐ 389 huyện, thị xã, thành phố bên cạnh tập trung phát hiện xử lý vi phạm cần tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN).
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo; tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, xác minh, điều tra, xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan. Đặc biệt lưu ý việc kinh doanh các mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các loại phụ kiện, tinh dầu đi kèm trên môi trường Internet; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát lĩnh vực, địa bàn.
Thực hiện tốt việc kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa có nhu cầu cao phục vụ sản xuất và tiêu dùng dịp cuối năm; chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thông tin truyền thông, các cơ quan chuyên môn khác có liên quan để tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, qua đó vừa khuyến cáo, vừa xử lý nghiêm các DN, cá nhân kinh doanh, chào bán hàng giả, hàng cấm trên môi trường mạng.
Nhân dịp này, 12 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của BCĐ 389 Quốc gia, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vì có thành tích xuất sắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Bá Đoàn