Mục tiêu của Đề án nhằm phát triển vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, áp dụng quy trình sản xuất an toàn bền vững, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển thương hiệu, nhãn mác bao bì, truy xuất nguồn gốc...
Theo đó, đối tượng được Đề án hỗ trợ gồm: Các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, cá nhân đầu tư sản xuất cây ăn quả an toàn trên địa bàn tỉnh có quy mô, diện tích sản xuất đạt từ 10 ha trở lên. Trường hợp nhiều hộ tham gia mô hình thì phải có HTX, tổ hợp tác hoặc ban điều hành do UBND cấp xã thành lập.
Phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh Bắc Giang đạt 53,5 nghìn ha (tăng hơn 6 nghìn ha so với năm 2021). Trong đó, có 26,875 nghìn ha thành vùng sản xuất tập trung 100% theo tiêu chuẩn VietGAP; phát triển vùng sản xuất cây ăn quả huyện Lục Ngạn thành vùng trọng điểm cấp quốc gia; giá trị cây ăn quả của tỉnh đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng, nằm trong nhóm 3 tỉnh có giá trị cây ăn quả lớn nhất toàn quốc.
Tỉnh tập trung phát triển các loại cây ăn quả chủ lực, tiềm năng của địa phương như: vải, na, nhãn, bưởi, cam, táo, ổi,.... Từ đó, mở rộng vùng sản xuất cây ăn quả bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu, nhất là các thị trường cao cấp như: Nhật Bản, Mỹ, EU, Úc, Hàn Quốc,...
Cụ thể, UBND tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí tư vấn và cấp chứng nhận Global GAP cho 9 vùng sản xuất cây ăn quả bao gồm: 8 vùng vải thuộc huyện Lục Ngạn và huyện Tân Yên; 1 vùng nhãn thuộc huyện Lục Nam. Định mức hỗ trợ 140 triệu đồng/vùng.
Hỗ trợ 100% kinh phí tư vấn và cấp chứng nhận hữu cơ cho 4 mô hình sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn hữu cơ, bao gồm: 3 mô hình vải (huyện Lục Ngạn 2 mô hình, Tân Yên 1 mô hình) và 1 mô hình bưởi tại huyện Lục Ngạn. Định mức hỗ trợ cấp chứng nhận 180 triệu đồng/mô hình.
Hỗ trợ phân bón hữu cơ, vi sinh cho 4 mô hình sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn hữu cơ, thời gian hỗ trợ trong 3 năm. Trong đó, năm thứ nhất hỗ trợ 50%; năm thứ hai hỗ trợ 30%; năm thứ ba hỗ trợ 20% chi phí mua phân bón hữu cơ, vi sinh.
Ngoài ra, UBND tỉnh còn hỗ trợ cấp mới mã số, số hóa vùng trồng; hỗ trợ sơ chế, bảo quản sản phẩm; hỗ trợ xây dựng cơ sở xông hơi khử trùng phục vụ xuất khẩu; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; thiết kế mới hoặc nâng cấp mẫu bao bì, nhãn mác và sản xuất bao bì, nhãn mác sản phẩm; hỗ trợ tập huấn sản xuất theo quy trình VietGAP cho các vùng sản xuất tập trung; hỗ trợ sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật…
Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ đề án khoảng 50 tỷ đồng được trích từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và kinh phí đối ứng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân.
Hà Trần