Bố trí không gian sản xuất hợp lý

Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp là bố trí, xác định rõ vùng cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp với thổ nhưỡng, thời tiết, nhân lực, tập quán canh tác, định hướng phát triển, quy hoạch chung của tỉnh. Đây là điều kiện cần và đủ để thúc đẩy sản xuất tập trung, áp dụng khoa học công nghệ, triển khai chính sách hỗ trợ nhằm tạo ra hàng hóa lớn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là thị trường cao cấp. Đồng thời làm căn cứ để địa phương, cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo sản xuất, cân đối cung- cầu, tránh tình trạng được mùa - mất giá.

Người dân thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) làm chủ kỹ thuật trồng ổi trái vụ.
Người dân thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) làm chủ kỹ thuật trồng ổi trái vụ

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt (trong đó có nội dung quy hoạch ngành nông nghiệp), ngày 18/1/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 100 phê duyệt kết quả “Rà soát, cập nhật, chỉnh sửa bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng; các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh” (Quyết định số 100) để có định hướng chỉ đạo phát triển nông nghiệp cụ thể. Quyết định này xác định rõ vùng nông sản, lâm sản, chăn nuôi, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho từng địa phương.

Dẫn chứng vùng trồng lúa tập trung, tỉnh xác định 139 vùng với tổng diện tích hơn 18,4 nghìn ha (chiếm 50,5% diện tích đất sản xuất lúa hai vụ cần bảo vệ nghiêm ngặt), giảm 12 vùng với quy mô gần 3,3 nghìn ha do diện tích này manh mún, không chủ động tưới tiêu, năng suất thấp và được chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao hơn. Tỉnh cũng xác định 78 vùng trồng rau tập trung chủ yếu ở các huyện Lục Nam, Hiệp Hòa, Yên Dũng, Tân Yên; 42 vùng sản xuất vải thiều; duy trì 21 vùng chăn nuôi lợn quy mô lớn (tăng 120 nghìn con ở huyện Lục Nam và giảm 30 nghìn con ở thị xã Việt Yên vì quỹ đất phục vụ sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, dân cư đông)…

Nhiều giải pháp hỗ trợ

Sau khi quy hoạch rõ vùng trồng trọt, chăn nuôi, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. Tại Lục Nam, huyện xác định rõ 59 vùng sản xuất cây trồng tập trung gồm lúa, rau, lạc, vải, bưởi, cam, dứa, na, nhãn, dược liệu…; 12 vùng chăn nuôi quy mô lớn (lợn, gà, dê, trâu, bò); 3 vùng nuôi thủy sản thâm canh. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hiện tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất trên địa bàn đạt 98%, thu hoạch đạt 97%, vận chuyển đạt hơn 74%.

Việc đưa cơ giới hóa góp phần tiết kiệm chi phí, giải phóng sức lao động, bảo đảm thời vụ, phòng tránh thiên tai, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại. Huyện còn tăng cường đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng, công trình thủy lợi, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhiều cơ chế, chính sách cũng được áp dụng, triển khai có hiệu quả. HTX An Việt, xã Bảo Đài (Lục Nam) là một trong số nhiều đơn vị được thụ hưởng chính sách.

Ông Vũ Anh Thái, Giám đốc HTX cho hay: “HTX có khoảng 30 ha trồng rau màu nằm trong vùng chuyên sản xuất nông nghiệp của huyện. Những năm qua, HTX được hỗ trợ kinh phí để mở rộng diện tích nhà kính, cấp chứng nhận VietGAP; hệ thống kênh mương nội đồng tại vùng sản xuất được cải tạo, nâng cấp; được tập huấn kỹ thuật trồng trọt, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại. Vì thế, hoạt động sản xuất ngày càng thuận lợi. Mỗi năm, HTX trồng 2-3 vụ dưa các loại, doanh thu khoảng 5 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng”.

Ở thị xã Việt Yên, địa phương chú trọng phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ song sản xuất nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng, góp phần cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân, phục vụ bếp ăn trong các khu, cụm công nghiệp, trường học, bệnh viện. Trên cơ sở đó, thị xã xác định 9 vùng sản xuất lúa tập trung với tổng diện tích hơn 950 ha; 5 vùng sản xuất rau màu ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 155 ha; 5 vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn tập trung tại các phường, xã: Tự Lạn, Bích Động, Quảng Minh, Thượng Lan, Hương Mai, Minh Đức…

Cơ sở chăn nuôi gà đẻ trứng ở xã Quang Minh, huyện Hiệp Hòa.
Cơ sở chăn nuôi gà đẻ trứng ở xã Quang Minh, huyện Hiệp Hòa.

Những năm trước, hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng tại Việt Yên thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, nhất là những vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ. Khắc phục khó khăn, từ năm 2022, địa phương xây dựng đề án hỗ trợ cơ sở hạ tầng vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2022-2025. Đến nay, phần lớn đường nội đồng, hệ thống thủy lợi được nâng cấp, xây mới giúp người dân đi lại thuận lợi, chủ động nguồn nước cho trồng trọt. Toàn thị xã có 120 mô hình trồng dưa, rau màu, nho... cho thu nhập cao.

Các huyện, thành phố cũng tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương tại vùng sản xuất tập trung, chuyên canh phù hợp với quy hoạch được phê duyệt. Cùng đó nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình phát triển kinh tế hộ, nhóm hộ thông qua liên kết nông dân - nông dân để tập trung ruộng đất, tổ chức lại sản xuất chuyên canh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất để nâng cao giá trị nông sản, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường; chú trọng xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững; làm tốt công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất;

Quan tâm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, trong đó tập trung phát triển các loại cây, con có chất lượng, giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định; mở rộng diện tích sản xuất rau quả chế biến, vùng sản xuất cây ăn quả theo quy trình VietGAP, GlobalGAP; đẩy mạnh chăn nuôi thủy sản tập trung; chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại bảo đảm quy chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt, ứng dụng công nghệ hiện đại, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ để kiểm soát dịch bệnh.

Bá Đoàn