Cơ quan công an vào cuộc
Tòa soạn nhận được đơn thư của ông Hoàng Song Hà, Giám đốc Công ty CP chiếu sáng đô thị Hoàng Gia (địa chỉ giao dịch, nhà BT2-A1, Khu đô thị mới Hạ Đình, ngõ 214 Nguyễn Xiển, Thanh Xuân, Hà Nội) - thành viên Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương Việt Nam (VATAP), phản ánh về việc:
Công ty CP chiếu sáng đô thị Hoàng Gia là đơn vị chuyên cung cấp các loại đèn chiếu sáng đô thị cho các công trình tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Doanh nghiệp đã nghiên cứu và sáng tạo ra mẫu đèn đường LED có tên ACURA.
Ngày 23/04/2021, Công ty được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp (số 32631) đối với sản phẩm đèn LED nhãn hiệu ACURA.
Qua khảo sát, công ty này đã phát hiện tại công trình Khu nhà ở xã Việt Đoàn - chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Thương mại Tuấn Dương (địa chỉ, Khu đô thị mới Nam Võ Cường, phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) có lắp đặt nhiều sản phẩm đèn đường chiếu sáng LED (sao chép khuôn mẫu sản phẩm đèn LED nhãn hiệu ACURA của Công ty Hoàng Gia).
Cụ thể, tổng số lượng đèn đã lắp tại Khu 01 dự án này có 45 đèn, Khu 02 có 47 đèn. Tổng cộng 92 đèn. Thời gian lắp đặt vào khoảng tháng 11, 12/2021. Đơn vị cung cấp sản phẩm đèn trên là Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Đức Trung (địa chỉ số 244, Nguyễn Gia Thiều, phường Tiền An, TP. Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh).
Theo ông Hoàng Song Hà, với 92 sản phẩm đèn chiếu sáng này, nếu là hàng chính hãng, do công ty đang phân phối có trị giá khoảng trên 500 triệu đồng.
Trước việc thương hiệu sản phẩm và uy tín của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, gây thiệt hại về kinh tế và hình ảnh của doanh nghiệp, Công ty CP chiếu sáng đô thị Hoàng Gia đã gửi đơn tố giác sự việc trên tới cơ quan công an huyện Yên Du (Bắc Ninh) và các cơ quan chức năng và đề nghị sớm vào cuộc xác minh, làm rõ.
Ngày 15/02/2022, cơ quan công an huyện Yên Du đã thực hiện việc lấy mẫu đèn tại công trình trên để đi thẩm định tại Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Căn cứ thông tin trong hồ sơ giám định số KD020-22TC, có kết quả kết luận:
Hình dáng bên ngoài (kiểu dáng) đèn chiếu sáng Đức Trung thể hiện tại tài liệu giám định (tài liệu 01) là yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp “đèn chiếu sáng” đang được bảo hộ theo bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp (số 32631) của Công ty CP chiếu sáng đô thị Hoàng Gia.
Ngày 26/04/2022, Công ty CP chiếu sáng đô thị Hoàng Gia cũng gửi công văn thông báo sự việc trên đến Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Thương mại Tuấn Dương (chủ đầu tư dự án) và đề nghị đơn vị này không sử dụng các sản phẩm đèn LED vi phạm kiểu dáng công nghiệp của doanh nghiệp.
Để tìm hiểu thông tin, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan đối với sự việc trên, phóng viên Thương hiệu và Công luận đã liên hệ qua điện thoại với chủ đầu tư là ông Nguyễn Văn Tuân, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Thương mại Tuấn Dương, vị này cho biết: Hiện nay chủ đầu tư vẫn chưa nghiệm thu hạng mục này và từ chối cung cấp thông tin.
Phóng viên tiếp tục đặt lịch làm việc tại Văn phòng UBND huyện Tiên Du để tìm hiểu thông tin và phóng viên đã nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Trọng Thịnh, Chánh Văn phòng HĐND, UBND huyện Tiên Du, nhưng vị này cũng “thoái thác” trách nhiệm chia sẻ thông tin với báo chí (?!).
Dư luận đặt câu hỏi: “Đối với các sản phẩm đèn chiếu sáng LED vi phạm kiểu dáng công nghiệp trên, liệu có bảo đảm về chất lượng; trách nhiệm của đơn vị cung cấp và chủ đầu tư cùng chính quyền địa phương trong việc này như thế nào… (?!).
Dự án từng bị "tuýt còi"
Trước đó, khi dự án này mới chỉ có quyết định trúng đấu giá đất (chỉ là bãi đất trống), nhưng vẫn huy động vốn rầm rộ, gây bức xúc trong dư luận.
Ngày 25/01/2021, tại văn bản số 243/UBND-TNMT của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh về việc kiểm tra, rà soát, xác minh thông tin phản ánh của các cơ quan báo chí liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản một số dự án trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh giao Thanh tra tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan: Sở Xây dựng; Sở Tài chính; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Tư pháp; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Văn hoá, thể thao và du lịch; Cục thuế tỉnh; Công an tỉnh; UBND các huyện Tiên Du, Thuận Thành, Quế Võ, Yên Phong kiểm tra trình tự, thủ tục thực hiện đấu giá, xác định giá khởi điểm để đấu giá, quyền sử dụng đất; việc huy động vốn, góp vốn, đặt cọc, kinh doanh hạ tầng, hoạt động kinh doanh bất động sản, việc đăng tin, quảng cáo, rao bán… tại 06 dự án, trong đó có dự án xây dựng Khu nhà ở xã Việt Đoàn. Báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trong tháng 03/2021.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu UBND các huyện trên kiểm tra, xử lý ngay nếu phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật của các chủ đầu tư về kinh doanh bất động sản, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai đầu tư xây dựng, quản lý trật tự xây dựng theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt; kiểm tra chặt chẽ năng lực của các đơn vị tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, lãnh đạo tỉnh này cũng giao Thanh tra tỉnh tổ chức thanh tra hoạt động kinh doanh bất động sản đối với các dự án nêu trên và các dự án khác có các cơ quan báo chí phản ánh, làm cơ sở để xác minh và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật đối với chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Lãnh đạo tỉnh này yêu cầu Công an tỉnh theo dõi, nắm bắt tình hình của các dự án nêu trên, kịp thời xử lý nếu phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Để bảo đảm quyền lợi và uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng như chất lượng các hạng mục công trình, đề nghị các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh Bắc Ninh cần sớm vào cuộc xác minh làm rõ.
Luật sư Triệu Xuân Trình, Cố vấn Công ty Luật TNHH Hương Sen (Hà Nội)
Điều 11, Nghị định 99/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp:
Phạt tiền bằng 1,2 lần mức tiền phạt quy định từ Khoản 1 đến Khoản 12 Điều này nhưng không vượt quá 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Thiết kế, chế tạo, gia công, lắp ráp, chế biến, đóng gói hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp;
b) In, dán, đính, đúc, dập khuôn hoặc bằng hình thức khác tem, nhãn, vật phẩm khác mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại lên hàng hóa;
c) Nhập khẩu hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp;
d) Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại các Điểm a, b và c Khoản này.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp quy định tại Khoản 1 và Khoản 13 Điều này trong trường hợp không có căn cứ xác định giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại trên biển hiệu, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, bao bì hàng hóa.
Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ 01-03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 15 Điều này.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm và tiêu hủy yếu tố vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 15 Điều này;
b) Buộc tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm nếu không loại bỏ được yếu tố vi phạm; tem, nhãn, bao bì, vật phẩm vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 15 Điều này;
c) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hàng hóa quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 12 Điều này;
d) Buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 15 Điều này;
đ) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 15 Điều này.
Thương hiệu và Công luận tiếp tục thông tin!
NK