Lễ Khai giảng năm học mới ở Trường Tiểu học Đông Phong, huyện Yên Phong.
Lễ Khai giảng năm học mới ở Trường Tiểu học Đông Phong, huyện Yên Phong.

Ông Nguyễn Thế Sơn – Giám đốc sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Bắc Ninh cho biết:  Năm học 2023-2024, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được triển khai đến các lớp 1,2,3,4,6,7,8,10 và 11. Theo lộ trình, năm học 2024-2025, học sinh phổ thông toàn quốc từ lớp 1 đến lớp 12 đều học theo chương trình SGK mới. Chương trình mới, trong quá trình thực hiện, có lẽ cần những điều chỉnh phù hợp nhưng mục tiêu xuyên suốt vẫn là phát triển phẩm chất năng lực, theo hướng dạy những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại, kết hợp hài hòa giữa đức, trí, thể, mỹ và chú trọng thực hành để học sinh biết vận dụng những điều được học vào thực tế.

Trong tháng 10, ngành GD-ĐT tập trung nâng cao năng lực cho giáo viên dạy các môn học theo chương trình mới được triển khai trong năm học 2023-2024 như Toán, Tiếng Việt cho giáo viên dạy lớp 4; Toán, Ngữ văn cho giáo viên dạy lớp 8; Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh cho giáo viên dạy lớp 11… Tại các hội nghị chuyên đề cấp tỉnh, giáo viên được thảo luận, trao đổi những khó khăn, vướng mắc, trực tiếp đề xuất kiến nghị với tác giả các SGK nên đạt hiệu quả cao. Sau các hội nghị chuyên đề cấp tỉnh với sự góp mặt của đội ngũ giáo viên cốt cán, Sở GD-ĐT yêu cầu các Phòng GD-ĐT và đơn vị trực thuộc tổ chức chuyên đề cấp huyện, cụm trường THPT nhằm nâng cao năng lực toàn đội ngũ trong triển khai chương trình mới.
Với những học sinh đang học theo chương trình GDPT 2006 (lớp 5, lớp 9), ngành chỉ đạo dạy học theo hướng tiếp cận chương trình GDPT 2018 tạo điều kiện tốt giúp các em khi chính thức học theo chương trình mới ở năm học tiếp theo.

Hai nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt cũng được ngành GD-ĐT chú trọng triển khai ngay từ đầu năm học 2023-2024 là: thực hiện Kế hoạch 73/KH-SGDĐT về “Nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, kết quả thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học”; tuyển chọn, thành lập các đội tuyển tỉnh tham dự Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT.

Đối với Kế hoạch 73,  Sở GD-ĐT xác định, nếu được thực hiện bài bản và linh hoạt tùy điều kiện từng cơ sở giáo dục, vẫn là “cẩm nang” đáp ứng yêu cầu các kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bởi vậy, nhiệm vụ thực hiện được các phòng chuyên môn của Sở xây dựng trong từng tháng, với từng đơn vị cụ thể.
Đối với Kỳ thi chọn học sinh Qiỏi quốc gia THPT, căn cứ quy định mới của Bộ GD-ĐT, trên cơ sở quá trình học tập và trải qua nhiều vòng kiểm tra, Sở GD-ĐT quyết định thành lập các đội tuyển tham gia bồi dưỡng, tập huấn tham dự Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024 với 86 thí sinh. Đây đều là những học sinh lớp 11 và 12 THPT Chuyên Bắc Ninh (nhiều em từng đạt giải quốc gia năm học 2022-2023), là năm có số lượng thí sinh dự thi đông nhất từ trước tới nay.

Nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018, các hoạt động trải nghiệm bổ ích cũng được ngành GD-ĐT Bắc Ninh tăng cường chỉ đạo; lan tỏa văn hóa đọc bằng  việc chung tay xây dựng hệ thống thư viện trường học hoạt động thiết thực và hiệu quả; triển khai điểm và từng bước nhân rộng mô hình “Giờ học lịch sử online” với môn Giáo dục địa phương. Đây cũng là chương trình phối hợp giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho học sinh Bắc Ninh thông qua các di tích lịch sử, thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh giữa ngành GD-ĐT và Văn hóa, Thể thao và Du lịch…

Tháng 11, ngành GD-ĐT tiếp tục sôi nổi các hoạt động chuyên môn chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11. Với quyết tâm cao của toàn ngành, tin tưởng năm học 2023-2024, ngành GD-ĐT Bắc Ninh sẽ biến áp lực thành động lực phấn đấu, quyết tâm giành nhiều kết quả nổi bật hơn nữa, xứng đáng là điển hình toàn quốc cả về phong trào và chất lượng giáo dục.

Bá Đoàn