LTS: Quảng Ninh là tỉnh liên tục nằm trong nhóm các địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng cao, năm 2022, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GRDP) của Quảng Ninh dự kiến ước đạt trên 10%. Năm 2022 cũng là năm thứ 7 liên tiếp (2016-2022) kinh tế của tỉnh Quảng Ninh đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số; chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể, quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt, ước đạt trên 258.000 tỷ đồng, tăng 8,3% so với quy mô năm 2021. Khu vực công nghiệp và xây dựng mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng, tăng 6,38%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 97.766 tỷ đồng, tăng 10,19% cùng kỳ. Khu vực dịch vụ phục hồi nhanh, là động lực tăng trưởng chính, tăng 17,34% (năm 2021 tăng 5,8%), đóng góp 5,44 điểm % trong tăng trưởng GRDP. Tổng khách du lịch ước đạt 11,6 triệu lượt, gấp trên 2,6 lần so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 56.500 tỷ đồng, tăng 24% dự toán Trung ương giao, tăng 7% dự toán tỉnh giao, tăng 8% cùng kỳ.
Đặc biệt, những năm vừa qua, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được chú trọng triển khai, niềm tin của doanh nghiệp đối với chính quyền được củng cố. Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí quán quân chỉ số PCI và Chỉ số SIPAS và Á quân Chỉ số PAR INDEX năm 2021. Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, tài nguyên và môi trường, chuyển đổi số được thúc đẩy, tăng cường; an sinh xã hội được đảm bảo; thanh tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được tập trung chỉ đạo giải quyết; quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới, biển đảo được giữ vững, không để xảy ra bất ngờ...
Những thành tựu trên đưa Quảng Ninh trở thành vùng đất “hút” đầu tư, điểm đến du lịch hấp dẫn, là “nơi cần đến và nơi đáng sống”. Thế nhưng, ở địa phương này đang tồn tại những vấn đề bất cập về thị trường hàng hoá tiêu dùng. Với mong muốn “thanh lọc” thị trường, để người tiêu dùng tiếp cận được nhưng sản phẩm hàng hoá chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đặc biệt là những sản phẩm hàng hoá liên quan trực tiếp đến sự an toàn, vệ sinh thực phẩm, sức khỏe con người. Qua tuyến bài này, Thương hiệu và Công luận mong rằng sẽ đóng góp một phần tiếng nói vào công cuộc làm trong sạch thị trường hàng hoá trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Trước đó, Thương hiệu & Công luận đã có các bài phản ánh về việc hàng giả hàng nhái, hàng không nguồn gốc xuất xứ, hàng không đảm bảo quy định từ chợ truyền thống “lạc” vào những cửa hàng, những siêu thị lớn.
“Bộ mặt” thị trường hàng hoá Quảng Ninh, nhìn từ tỉnh có GRDP đứng TOP cả nước”: https://thuonghieucongluan.com.vn/bo-mat-thi-truong-hang-hoa-quang-ninh-nhin-tu-tinh-co-grdp-dung-top-ca-nuoc-a186937.html
“Quảng Ninh: Thực phẩm hết hạn, cận date “lạc vào” các siêu thị lớn trước thềm Tết Quý Mão”: https://thuonghieucongluan.com.vn/quang-ninh-thuc-pham-het-han-can-date-lac-vao-cac-sieu-thi-lon-truoc-them-tet-quy-mao-a186975.html
Bài viết phản ánh của Thương hiệu và Công luận về việc chuỗi siêu thị Aloha Mall bày bán hang hóa không rõ xuất xứ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái, gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng năm 2022, tưởng chừng doanh nghiệp đã có sự đổi thay trong quy cách nhập khẩu, kiểm soát hàng hóa. Tuy nhiên chỉ sau vài tháng, Aloha Mall vẫn như vậy? Và điều mà dư luận quan tâm hơn cả đó là vai trò lực lượng chức năng ở đâu khi hàng giả, hàng nhái bày bán ở một siêu thị lớn như vậy?
Hàng giả, hàng nhái bày bán trong siêu thị
Aloha Mall được biết đến là hệ thống siêu thị lớn, chỉ sau Vinmart, Big C,… có 11 siêu thị nằm trên địa bàn 03 tỉnh: Phú Thọ, Thái Nguyên và Quảng Ninh thuộc Công ty TNHH Thái Hưng có địa chỉ số 2269 Đại lộ Hùng Vương, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Slogan của Aloha Mall là “Triệu gia đình – Triệu niềm vui”, đồng thời siêu thị này cũng cam kết ở đâu bán rẻ, Aloha Mall bán rẻ hơn. Tuy nhiên, theo ghi nhận vào hồi tháng 03/2022 của phóng viên Thương hiệu & Công luận, thì hàng loạt hàng hoá được bày bán trong 02 cơ sở Aloha Mall Đầm Hà và Aloha Mall Đông Triều đều tồn tại nhiều vấn đề bất cấp, cần các cơ quan quản lý Nhà nước, lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra và xử lý.
Tiếp tục quay trở lại Aloha Mall Đông Triều vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023, khi mà nhu cầu mua sắm của người dân địa phương cũng như người dân các tỉnh lân cận tăng đột biến, phóng viên không khỏi ngỡ ngàng trước số lượng lớn hàng hoá trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, phần lớn đều “trắng” thông tin…
Cụ thể ngày 06/01, phóng viên đã “mục sở thị” tại cơ sở Aloha Mall Đông Triều. Tại thời điểm dịp Tết Nguyên đán Quý Mão đang đến gần, nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ Tết Quý Mão được bày bán với số lượng lớn. Nhiều sản phẩm nhập khẩu được dán tem nhãn phụ Tiếng Việt với nội dung được ghi đúng theo quy định của pháp luật như: Nguồn gốc, xuất xứ, thành phần, hướng dẫn sử dụng, cảnh báo... Cụ thể, sản phẩm Chân cổ cánh Đùi gà vịt hãng DA Cheng Food, có tem nhãn phụ Tiếng Việt được ghi đầy đủ thông tin về: Thành phần; Lưu ý bảo quản; Quy cách đóng gói; hạn sử dụng -HSD; Xuất xứ; Thông tin nhà phân phối.
Tuy nhiên bên cạnh các sản phẩm có tem mác đúng quy định được bày bán trong tổng diện tích gần 8.000 m2 thì theo ghi nhận của phóng viên Thương hiệu và Công luận, một lượng hàng hóa lớn không tem nhãn phụ, không rõ nguồn gốc xuất xứ đang được bày bán công khai tại đây.
Tại gian hàng thời trang trong siêu thị, nhiều mặt hàng quần áo, giày dép… chỉ có tiếng nước ngoài, không có thông tin về chất liệu, nguồn gốc của sản phẩm; thậm chí một số sản phẩm có dấu hiệu nhái tên thương hiệu đình đám như : Adidas, Gucci, LV,…
Không những vậy, các hàng hoá thuộc gian hàng quần áo trẻ em cũng chỉ toàn chữ nước ngoài. Điển hình là sản phẩm Khăn ăn dặm trẻ em với bao bì giống chữ Nhật Bản, không có thông tin về đơn vị nhập khẩu nhưng vẫn được Aloha Mall được bày bán công khai. Người tiêu dùng cũng không được biết công dụng cũng như thành phần của sản phẩm này bao gồm những gì. Điều này khiến các phụ huynh không khỏi lo lắng liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe của con em mình – nhất là khi đây là sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh, đối tượng nhạy cảm và cần được chăm sóc kỹ càng nhất? Và trẻ dùng bị dị ứng, Aloha Mall chịu trách nhiệm hay nhà sản xuất? Khiếu nại đến đâu?
Ở quầy hóa mỹ phẩm, không ít các sản phẩm nhập khẩu từ nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nga, Thái Lan đều không có nhãn phụ Tiếng Việt.
Đáng chú ý, phóng viên ghi nhận sản phẩm mascara được gắn nhãn hiệu Chanel, trên thân sản phẩm không có bất cứ thông tin nào, kể cả bằng tiếng nước ngoài. Khi phóng viên thắc mắc về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, một nhân viên của Aloha nói rằng: “Đây là hàng bên em săn sale 11.11 ở sàn thương mại Trung nên mới rẻ vậy ạ.”
Ở gian hàng đồ gia dụng, nhiều đồ phụ kiện như đèn bàn, đồng hồ, gương cầm tay… cũng không có nhãn sản phẩm theo quy định pháp luật. Tất cả những gì có trên bao bì chỉ là mã vạch và giá tiền được siêu thị dán lên.
Như vậy, các sản phẩm trên đã vi phạm Điều 5, Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa. Luật quy định hàng hoá lưu thông trong nước, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phải ghi nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hoá bắt buộc phải thể hiện các nội dung: Tên hàng hoá; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá; Xuất xứ hàng hoá.
Thậm chí, đến cả quầy thực phẩm, nơi mà ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng lại có không ít các sản phẩm không rõ nguồn gốc. Tại khu vực rau quả, nhiều sản phẩm không được cung cấp bất kì thông tin liên quan về đơn vị sản xuất cũng như hạn sử dụng.
Điển hình như sản phẩm Dưa lưới với bao bì đẹp mắt, phù hợp để các gia đình đem đi bày mâm hay biếu tặng, tuy nhiên thông tin duy nhất mà người tiêu dùng nhận được chỉ là nhãn sản phẩm toàn chữ Trung Quốc kèm giá tiền, không hề có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo đúng quy định pháp luật.
“Mục sở thị” tại khu vực hàng đông lạnh, tại đây các mặt hàng được kiểm soát tốt hơn về hạn dùng cũng như chất lượng sản phẩm. Nhưng trong số đó, sản phẩm đồ chế biến sẵn mang thương hiệu Nam Anh Homemade lại hoàn toàn “trắng thông tin” về nơi sản xuất, thành phần, HSD, quy cách bảo quản cũng như không có HSD.
Tương tự như siêu thị GO! Hạ Long trong bài viết “Quảng Ninh: Thực phẩm hết hạn, cận date “lạc vào” các siêu thị lớn trước thềm Tết Quý Mão”, đa số các loại bánh kẹo được bán theo cân ở Aloha Mall đều không rõ NSX và HSD, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe cho người dân.
Tiêu biểu phải nhắc đến là sản phẩm Kẹo dẻo trái cây, trên bao bì sản phẩm hoàn toàn “trắng” thông tin về doanh nghiệp, nơi sản xuất, đặc biệt là hạn sử dụng và ngày sản xuất.
Quy định của pháp luật
Theo khoản 1, Điều 44, Luật An toàn Thực phẩm, các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm tại Việt Nam phải thực hiện việc ghi nhãn thực phẩm theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Đối với thời hạn sử dụng thực phẩm thể hiện trên nhãn thì tùy theo loại sản phẩm được ghi là “hạn sử dụng”, “sử dụng đến ngày” hoặc “sử dụng tốt nhất trước ngày”.
Quan sát gian hàng đồ ăn và thức uống, phóng viên nhận thấy tại đây không ít mặt hàng dễ gây bối rối cho người tiêu dùng khi tìm hiểu thông tin vì chỉ toàn chữ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… và tuyệt nhiên không có nhãn phụ Tiếng Việt.
Theo pháp luật hiện hành, việc bán hàng có xuất xứ nước ngoài mà không có nhãn phụ Tiếng Việt là vi phạm khoản 2, Điều 12 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007. Cụ thể, quy định này nêu rõ về nghĩa vụ của người nhập khẩu là chịu trách nhiệm về chất lượng và ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật đối với hàng hóa do mình nhập khẩu.
Theo quy định, đồ chơi trẻ em phải có tên sản phẩm, trên bao bì phải in xuất xứ rõ ràng tên, địa chỉ nơi chịu trách nhiệm về chất lượng đồ chơi. Nếu sản xuất trong nước thì sản phẩm phải đề thông tin công ty sản xuất; Nếu là hàng nhập khẩu thì ghi thông tin nhà nhập khẩu.
Ngoài ra, trên bao bì cần ghi rõ lứa tuổi phù hợp với đồ chơi, hướng dẫn sử dụng, các cảnh báo đặc thù đối với loại đồ chơi đó và có dấu chứng nhận hợp quy (CR), các sản phẩm phải được in hoặc dán tem CR lên bao bì.
Tại khoản 2, Điều 7, Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/09/2004 về việc ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại, theo đó các siêu thị, trung tâm thương, mại không được kinh doanh các loại hàng hóa không đúng quy định về nhãn hàng hóa, về tem thuế hàng hóa nhập khẩu và tem thuế hàng hoá tiêu thụ đặc biệt. Hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật; hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, hàng quá thời hạn sử dụng và hàng không đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật như hàng mất phẩm chất, hàng kém chất lượng, hàng nhiễm độc và động thực vật bị dịch bệnh...
Luật quy định là vậy, thế nhưng cơ quan thi hành pháp luật ở đâu khi để các sản phẩm hàng hoá “vi phạm luật” được bày bán một cách công khai trong siêu thị Aloha Mall Đông Triều? Và trách nhiệm của Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh trong lĩnh vực quản lý hàng hoá? Đề nghị Cục Thuế Quảng Ninh, Công an tỉnh Quảng Ninh cùng các cơ quan ban ngành liên quan xem xét việc hàng hoá vi phạm được bày bán trong hệ thống siêu thị.
Trần Trang – Thảo Nhung