LTS: Quảng Ninh là tỉnh liên tục nằm trong nhóm các địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng cao, năm 2022, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GRDP) của Quảng Ninh dự kiến ước đạt trên 10%. Năm 2022 cũng là năm thứ 7 liên tiếp (2016-2022) kinh tế của tỉnh Quảng Ninh đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số; chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể, quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt, ước đạt trên 258.000 tỷ đồng, tăng 8,3% so với quy mô năm 2021. Khu vực công nghiệp và xây dựng mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng, tăng 6,38%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 97.766 tỷ đồng, tăng 10,19% cùng kỳ. Khu vực dịch vụ phục hồi nhanh, là động lực tăng trưởng chính, tăng 17,34% (năm 2021 tăng 5,8%), đóng góp 5,44 điểm % trong tăng trưởng GRDP. Tổng khách du lịch ước đạt 11,6 triệu lượt, gấp trên 2,6 lần so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 56.500 tỷ đồng, tăng 24% dự toán Trung ương giao, tăng 7% dự toán tỉnh giao, tăng 8% cùng kỳ.

Đặc biệt, những năm vừa qua, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được chú trọng triển khai, niềm tin của doanh nghiệp đối với chính quyền được củng cố. Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí quán quân chỉ số PCI và Chỉ số SIPAS và Á quân Chỉ số PAR INDEX năm 2021. Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, tài nguyên và môi trường, chuyển đổi số được thúc đẩy, tăng cường; an sinh xã hội được đảm bảo; thanh tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được tập trung chỉ đạo giải quyết; quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới, biển đảo được giữ vững, không để xảy ra bất ngờ...

Những thành tựu trên đưa Quảng Ninh trở thành vùng đất “hút” đầu tư, điểm đến du lịch hấp dẫn, là “nơi cần đến và nơi đáng sống”. Thế nhưng, ở địa phương này đang tồn tại những vấn đề bất cập về thị trường hàng hoá tiêu dùng. Với mong muốn “thanh lọc” thị trường, để người tiêu dùng tiếp cận được nhưng sản phẩm hàng hoá chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đặc biệt là những sản phẩm hàng hoá liên quan trực tiếp đến sự an toàn, vệ sinh thực phẩm, sức khỏe con người. Qua tuyến bài này, Thương hiệu và Công luận mong rằng sẽ đóng góp một phần tiếng nói vào công cuộc làm trong sạch thị trường hàng hoá trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Siêu thị tung nhiều “chiêu” khuyến mãi hấp dẫn kích cầu

Dịp Tết Nguyên đán Tết Quý Mão đang cận kề, Sở Công thương Quảng Ninh cho biết, các doanh nghiệp trên địa bàn đã chuẩn bị khoảng 1.300 tỷ đồng để dự trữ và cung ứng hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và khách du lịch trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023.

Dù có sự “đầu tư” và chuẩn bị sát sao nhưng một số hàng hóa trên địa bàn không đáp ứng được những tiêu chí đảm bảo an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng.

Trong bài viết “Nhếch nhác hàng hóa “dỏm” từ góc nhìn chợ truyền thống”, phóng viên Thương hiệu và Công luận đã phản ánh về tình trạng bày bán hàng nhái, hàng nước ngoài không có tem nhãn phụ Tiếng Việt tại các khu chợ truyền thống tại tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh đó, hiện tượng bán hàng nhái logo, tên thương hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ này cũng xảy ra tại nhiều shop giày dép, túi xách trên địa bàn tỉnh này.

Hàng giả, hàng nhái tàn lan trên các chợ...
Hàng giả, hàng nhái khá nhiều trên các chợ truyền thống tại Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh...
...và các shop quần áo cao cấp tại TP. Hạ Long
...và các shop quần áo cao cấp tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh.

Thực tế, hiện tại Quảng Ninh không chỉ tồn tại tình trạng bán hàng hóa nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ trong dịp Tết đến, Xuân về này mà nhiều siêu thị trên địa bàn còn bày bán thực phẩm đã hết hạn sử dụng, cận date,… gây ảnh hưởng tới sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng. 

Cụ thể, ngày 5/1, phóng viên Thương hiệu và Công luận đã có mặt tại MM Mega Market Hạ Long và GO! Hạ Long để ghi nhận tình trạng hàng hóa những ngày giáp Tết Quý Mão.

Phóng viên nhận thấy, hàng hóa Tết đã ngập tràn, nhất là các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên Đán như nước giải khát, rượu, bánh kẹo, mứt, giỏ quà… với đa dạng chủng loại, nhiều mẫu mã đẹp thu hút người tiêu dùng. Các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường... được bày bán với số lượng lớn. Tại khu vực rau xanh và hoa quả, lượng hàng hóa luôn sẵn sàng lấp đầy kệ để đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân…

Hàng hóa luôn đầy ắp, sẵn sàng phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Tết Nguyên Đán
Hàng hóa luôn đầy ắp, sẵn sàng phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Tết Nguyên Đán.

Ngoài ra, để kích cầu mua sắm trong dịp Tết, các siêu thị tại tỉnh Quảng Ninh cũng “tung” ra những chương trình khuyến mãi hấp dẫn với những cam kết bình ổn giá trước, trong và sau Tết.

Bên cạnh số lượng hàng hóa lớn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm thì chất lượng hàng hóa bán ra đang là điều được người tiêu dùng quan tâm nhất. Với tâm lí “chuộng hàng siêu thị”, người tiêu dùng cho rằng sản phẩm ở những hệ thống siêu thị luôn đảm bảo, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và chỉ bán những sản phẩm còn hạn sử dụng. Tuy nhiên, thực tế không phải siêu thị nào cũng có thể quản lí được hàng hóa một cách chuẩn chỉnh, không ít người tiêu dùng cảm thấy thất vọng khi sản phẩm được mua về lại kém chất lượng, thậm chí gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

MM Mega Market: Hàng hết hạn vẫn được bày bán

Ngày 5/1, trong vai người tiêu dùng, phóng viên đã “mục sở thị” tại siêu thị MM Mega Market có địa chỉ đường Vũ Văn Hiếu, Hà Tu, Thành phố Hạ Long. Khi khảo sát khu vực thực phẩm, đặc biệt là hàng đông lạnh, phóng viên ghi nhận không ít mặt hàng đông lạnh quá hạn sử dụng hoặc cận hạn từ 5-10 ngày.

Nhiều sản phẩm cận date tại siêu thị Mega Market được gắn nhãn vàng
Nhiều sản phẩm cận date được bày bán tại siêu thị Mega Market Hạ Long.

Cụ thể, phóng viên phát hiện có sản phẩm hộp bánh pizza ăn liền Frissta vị Dăm bông Pesto đã hết hạn sử dụng, trên bao bì sản phẩm ghi NSX: 15/06/22 – HSD: 15/12/22. Trong khi đó, phóng viên “mục sở thị” tại siêu thị này vào ngày 5/1, nghĩa là sản phẩm này đã bị quá hạn 22 ngày. Nhân viên thu ngân tại đây cũng không hề để ý khi “thản nhiên” thanh toán cho phóng viên mà không kiểm tra tình trạng ngày sử dụng trên mỗi sản phẩm.

Hộp bánh pizza Frissta đã hết hạn sử dụng, bao bì bong tróc nhưng vẫn được bày bán trong siêu thị Mega Market Hạ Long
Hộp bánh pizza Frissta đã hết hạn sử dụng, bao bì bong tróc nhưng Mega Market Hạ Long vẫn bán cho khách hàng

Một sản phẩm khác tại MM Mega Market cũng gây chú ý là Lẩu Topokki thập cẩm JOFOOD với bao bì sản phẩm ghi ngày sản xuất là 05/11/2022 và có hạn sử dụng tới 05/01/2023. Nghĩa là sản phẩm này đã hết hạn vào chính ngày phóng viên có mặt tại siêu thị nhưng vẫn được phía MM Mega Market bày bán cho người tiêu dùng.

Gói Lẩu Tokpoki đã đến ngày hét hạn sử dụng nhưng siêu thị vẫn bày bán cho khách hàng
Gói Lẩu Tokpokki đã đến ngày hết hạn sử dụng nhưng siêu thị Mega Market Hạ Long vẫn bán cho khách hàng.

Hay sản phẩm “Xúc xích lốc xoáy” của thương hiệu La Cusina Premium có ngày sản xuất là 08/09/2022 nhưng tìm mãi, phóng viên cũng không thấy hạn sử dụng dù trên bao bì ghi: “Ngày sản xuất và hạn sử dụng in trên bao bì”.

PV không thể tìm được ngày sản xuất của sản phẩm Xúc xích Lốc xoáy tại siêu thị Mega Market
không thể tìm được hạn sử dụng của sản phẩm Xúc xích Lốc xoáy tại siêu thị Mega Market.

Bên cạnh đó, phóng viên Thương hiệu và Công luận cũng ghi nhận nhiều trường hợp sản phẩm nhập khẩu nhưng không có tem nhãn Tiếng Việt. Như sản phẩm quýt có tên Genesis Citrus được in trên bao bì là Made in Australia nhưng không tìm thấy bất cứ tem nhãn phụ Tiếng Việt nào như pháp luật quy định.

Túi Quýt Úc nhưng lại không có bất kì tem nhãn phụ Tiếng Việt trên bao bì
Túi Quýt Genesis Citrus có xuất xứ từ Úc nhưng lại không có bất kì tem nhãn phụ Tiếng Việt như pháp luật quy định trên bao bì.

Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa, đối với các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam thì nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt: Tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa, nếu không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa; các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định và quy định pháp luật liên quan.

Đối với hàng hóa nhập khẩu thì nhãn gốc bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan: Tên hàng hóa; xuất xứ hàng hóa (nếu không xác định được thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa); tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài.

GO! Hạ Long bán hàng “mập mờ” thông tin

Tiếp tục ghi nhận tại siêu thị GO! Hạ Long có địa chỉ Cột 5, Hồng Hà, Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh trong chiều cùng ngày, phóng viên ghi nhận một số sản phẩm đông lạnh được bày bán tại đây cũng rơi vào cảnh sắp đến ngày hết hạn. Đáng nói hơn cả, một số thực phẩm do GO! Hạ Long sản xuất, đóng gói lại rơi vào cảnh chưa ghi rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng trên bao bì.

GO! Hạ Long bán nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, mập mờ thông tin
GO! Hạ Long bán nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, mập mờ thông tin.

Điển hình là sản phẩm “Chân giò heo xông khói CHV” với tem nhãn được in một cách nhăn nhúm, gây khó khăn cho người tiêu dùng khi đọc thông tin. Tại phần HSD có ghi “06 tháng kể từ ngày SX”, tuy nhiên khi phóng viên kiểm tra khắp các mặt sản phẩm để tìm NSX được in ở đâu thì hoàn toàn không thấy thông tin.

Nhãn sản phẩm Chân giò xông khói được in một cách nhăn nhúm, khiến người tiêu dùng khó mà đọc thông tin
Nhãn sản phẩm Chân giò xông khói được in một cách nhăn nhúm, khiến người tiêu dùng khó đọc được thông tin.

Các mặt hàng kém chất lượng, không có tem nhãn phụ, không rõ xuất xứ tưởng chừng như chỉ xuất hiện ở các cửa hàng nhỏ lẻ, nhưng ngay cả trong các siêu thị lớn như GO! Hạ Long cũng xuất hiện không ít sản phẩm mập mờ nguồn gốc xuất xứ gây khó khăn cho cho người tiêu dùng tiếp cận thông tin sản phẩm.

Tại quầy thực phẩm tươi sống như thịt gà, thịt lợn, hải sản,… tại siêu thị GO! Hạ Long đều không có bất cứ thông tin về đơn vị sản xuất cũng như hạn sử dụng với những thực phẩm này. Việc này khiến người tiêu dùng khó khăn trong việc chọn mua, cũng như quan ngại cho sức khỏe của bản thân nếu có sử dụng phải thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Từ thịt gà...
Từ thịt gà....
...đến thịt lợn...
...đến thịt lợn....
... và các loại hải sản đều không có tem nhãn
... và các loại hải sản tại GO! Hạ Long đều không có thông tin.

Không chỉ vậy, quầy rau xanh và hoa quả tại GO! Hạ Long cũng không được phía siêu thị này cung cấp bất cứ thông tin nào khiến người mua hàng khó lòng chọn lựa, cũng như không rõ nguồn gốc xuất xứ từ đơn vị, doanh nghiệp nào.

Nhiều loại rau củ quả không có bất kì thông tin về địa chỉ
Nhiều loại rau củ quả tại siêu thị GO! Hạ Long không có bất kì thông tin về đơn vị, doanh nghiệp phân phối.

Quầy bánh kẹo theo cân - nơi đông khách nhất tại siêu thị GO! Hạ Long, nhiều sọt hàng chứa các mẫu mã bánh kẹo bắt mắt, thơm ngon với giá cả phải chăng nhưng đều “trắng thông tin” hoặc không có thông tin về ngày sản xuất và hạn sử dụng tiếp tục xảy đến với một số mặt hàng.

Quầy bánh kẹo theo cân luôn đầy ắp các sản phẩm bánh kẹo bắt mắt
Quầy bánh kẹo theo cân luôn đầy ắp các sản phẩm bắt mắt.
KHông ít các sản phẩm rơi vào tình trạng
Không ít các sản phẩm rơi vào tình trạng "trắng" thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng.

Tiêu biểu phải nhắc đến là sản phẩm Thạch hoa quả Konjac Jelly của thương hiệu Captain Dolphin, trên bao bì sản phẩm toàn chữ Hàn Quốc nhưng không có tem nhãn phụ tiếng Việt theo pháp luật quy định. Đặc biệt là ngày sản xuất và hạn sử dụng, tìm mãi phóng viên cũng không thấy những thông tin này.

Thạch Konjac Jelly với 3
Thạch Konjac Jelly với 3 "Không" - Không tem nhãn phụ, không ngày sản xuất, không hạn sử dụng.

Điều này khiến người tiêu dùng đặt ra nghi vấn liệu các loại bánh kẹo được bán lẻ theo cân đã hết hạn sử dụng hay chưa? Liệu có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay không? Nếu khách hàng không chú ý tới thông tin mà mua phải các sản phẩm quá hạn, sức khỏe và quyền lợi tiêu dùng của họ sẽ ảnh hưởng như thế nào?

Xử phạt thế nào về việc bán hàng hết hạn sử dụng?

Theo Khoản 11 Điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định: Hạn dùng của hàng hóa được thể hiện bằng khoảng thời gian tính từ ngày sản xuất đến ngày hết hạn hoặc thể hiện bằng ngày, tháng, năm hết hạn. Trường hợp hạn dùng chỉ thể hiện tháng, năm; hạn dùng được tính đến ngày cuối cùng của tháng hết hạn.

Như vậy, các doanh nghiệp, tiểu thương không được kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng. Nếu kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng sẽ bị xử phạt theo Điểm a Khoản 1 Điều 21 Nghị định 185/2013/NĐ-CP và Khoản 18 Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ-CP, tùy vào giá trị hàng hóa vi phạm, mức xử phạt có thể lên đến 30 – 40 triệu đồng.

Ngoài ra, buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm đối với hành vi vi phạm; buộc thu hồi tiêu hủy hàng hóa vi phạm đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia uy tín trong lĩnh vực y tế, đồ ăn hết hạn sử dụng là điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của nấm mốc và vi khuẩn có hại, nghiêm trọng hơn, một số trường hợp khi ăn phải thực phẩm đã quá hạn có thể gây ngộ độc, ảnh hưởng nặng nề lên sức khỏe của người tiêu thụ.

Người dân cần chú ý đến hạn sử dụng của thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho gia đình, người thân
Người dân cần chú ý đến hạn sử dụng của thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho gia đình, người thân.

Gần 10 ngày nữa là đến Tết nguyên đán 2023, nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày một tăng cao. Cũng bởi lẽ này mà một số cơ sở kinh doanh đã lợi dụng bán hàng hàng lậu, hàng nhái kém chất lượng gây ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng. 

Do đó, người dân có được đón Tết Nguyên đán “tiết kiệm, ấm no và an toàn” hay không là nhờ vào sự vào cuộc sát sao, tích cực của cơ quan chức năng. Có thể nói, các cơ quan chức năng cần phải có những chính sách, văn bản phối hợp với UBND các địa phương và đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh nhằm theo dõi sự thay đổi cung cầu hàng hóa trên thị trường, cũng như đưa ra những giải pháp kịp thời nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân.

Các cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành mua bán hàng hóa tiêu dùng theo quy định của pháp luật, cũng như tích cực kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, buôn bán các doanh nghiệp trên địa bàn của địa phương.

Cơ quan chức năng cần giải quyết một cách nhanh chóng, dứt điểm các vấn đề về hàng hóa trong siêu thị để đảm bảo người dân có một cái Tết an toàn, ấm no
Cơ quan chức năng cần giải quyết nhanh chóng, dứt điểm các vấn đề tồn tại về hàng hóa trong siêu thị để đảm bảo người dân có một cái Tết an toàn, ấm no.

Mặt khác, người dân cũng cần tỉnh táo khi lựa chọn những sản phẩm tiêu dùng, tránh trường hợp ham rẻ để rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”, tránh việc vô tình hay cố ý tiếp tay cho tội phạm buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ. Nếu phát hiện đơn vị, tổ chức nào có hành vi gian thương, cần tố cáo với cơ quan chức năng để kịp thời xác minh, xử lý theo đúng các quy định của pháp luật.

Trần Trang - Thảo Nhung