Đoàn công tác Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia do ôngTrần Đức Đông, Phó Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia làm Trưởng đoàn. Cùng tham gia Đoàn công tác có đại diện lãnh đạo các cơ quan, gồm: Vụ I, Văn phòng Chính phủ; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu; Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT); Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan; Hải đoàn 48, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP); Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 3, Đoàn Trinh sát số 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển…
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác BCĐ 389 quốc gia có ông Trần Đức Tiến, Phó trưởng ban Thường trực BCĐ 389 tỉnh Bình Định, Cục trưởng Cục QLTT Bình Định; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành là thành viên BCĐ 389 tỉnh Bình Định (gồm các Sở: Tài chính, Công thương, Cục QLTT, Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Thuế, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…).
Theo Ban tổ chức, mục đích buổi làm việc của Đoàn công tác gồm: Đánh giá thực trạng tình hình, kết quả CBL-GLTM&HGtại tỉnh Bình Định; Rà soát, nhận diện những vấn đề nổi cộm, phức tạp trên địa bàn, xác định những khó khăn, vướng mắc, đề xuất cơ quan, cấp có thẩm quyền xử lý; Tham mưu cho lãnh đạo BCĐ 389 quốc gia chỉ đạo BCĐ 389 các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng đấu tranh hiệu quả hoạt động CBL-GLTM&HGtrong thời gian tiếp theo.
Theo kế hoạch, Đoàn công tác sẽ nghe BCĐ 389 tỉnh Bình Định báo cáo tình hình, kết quả công tác CBL-GLTM&HG 06 tháng đầu năm 2022, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Trong đó chú trọng việc đánh giá kết quả thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia; nhận diện những vấn đề nổi cộm, phức tạp, phương thức thủ đoạn mới về BL-GLTM&HGtrên địa bàn; những tồn tại nguyên nhân và các giải pháp thực hiện trong thời gian tiếp theo; những khó khăn vướng mắc, đề xuất, kiến nghị xử lý của địa phương…
Theo báo cáo của BCĐ 389 tỉnh Bình Định, từ đầu năm 2022 đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhất là tác động của đại dịch Covid-19 và tình hình chiến sự Nga-Ucraina, song BCĐ 389 Bình Định đã nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và BCĐ 389 quốc gia, trong đó có việc triển khai các biện pháp đồng bộ, quyết liệt trong công tác phòng ngừa, đấu tranh CBL-GLTM&HG.
Theo đó, trong 06 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng thuộc BCĐ 389 tỉnh đã tiến hành kiểm tra, phát hiện 702 vụ vi phạm (trong đó có 25 vụ vi phạm về lĩnh vực buôn bán hàng cấm, hàng trái phép; 676 vụ vi phạm về lĩnh vực GLTM; 01 vụ vi phạm về lĩnh vực hàng giả). Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là gần 9,6 tỷ đồng (trong đó: phạt vi phạm hành chính trên 7,5 tỷ đồng; phạt bổ sung, truy thu thuế trên 1,44 tỷ đồng; tiền bán hàng trên 583 triệu đồng). Đồng thời, cơ quan chức năng đã khởi tố 04 vụ/08 bị can về tội vận chuyển, buôn bán hàng cấm….
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động CBL-GLTM&HG trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Theo đó, một số đơn vị chức năng chưa chỉ đạo sát công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng; công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của các cơ quan quản lý nhà nước có lúc còn chồng chéo, trùng lặp về nội dung kiểm tra gây phiền hà cho doanh nghiệp; Các đối tượng BL-GLTM và sản xuất kinh doanh hàng giả ngày càng có thủ đoạn tinh vi, đối phó lại với lực lượng chức năng nên một số vụ chưa bắt được đối tượng chủ mưu, cầm đầu, chỉ bắt được hàng hóa hoặc vận chuyển thuê; Bên cạnh kinh doanh truyền thống thì thương mại điện tử, kinh doanh trên môi trường mạng là một xu thế phát triển nhưng việc kiểm tra, xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn, bất cập…
Đáng lưu ý, tại buổi làm việc, đại diện BCĐ 389 Bình Định đã thẳng thắn nêu lên những khó khăn, bất cập trong công tác CBL-GLTM&HG trên địa bàn tỉnh.Tiêu biểu trong số này là những khó khăn, bất cập đối với các lĩnh vực: Hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Công tác CBL, hàng cấm; Những vướng mắc, bất cập chủ yếu của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 (Ví dụ: Quy định về yếu tố lỗi và và mức độ của hành vi vi phạm hành chính; Quy định về tình tiết giảm nhẹ còn chung chung, định tính; Quy định về thời gian chuyển biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp không thuộc thẩm quyền xử lý thiếu tính khả thi; Quy định về "giá thị trường" để xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt còn chưa cụ thể; Quy định niêm phong tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ thiếu tính thực tế); Về một số chế tài trong Nghị định xử lý vi phạm hành chính có vướng mắc, không rõ…
Cũng tại buổi làm việc, BCĐ 389 tỉnh Bình Định đã đề xuất và kiến nghị đối với Thường trực BCĐ 389 quốc gia 5 vấn đề, như: Đề nghị tổ chức tập huấn hội thảo chuyên sâu về nghiệp vụ phòng CBL-GLTM&HG để tăng cường trao đổi thông tin về đối tượng, địa bàn và phương thức, thủ đoạn BL-GLTM, sản xuất kinh doanh hàng giả cho các lực lượng chức năng; Kiến nghị các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động kiểm tra, khám và xử lý vi phạm hành chính; đặc biệt rà soát để sửa đổi, bổ sung những điểm bất cập, vướng mắc trong hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính bảo đảm hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được hoàn thiện, thống nhất, có tính khả thi cao trong thực tiễn; Kiến nghị BCĐ 389 quốc gia đề nghị các bộ, ngành, địa phương bố trí kinh phí để mua sắm các trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các hành vi BL-GLTM, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nhất là các máy test nhanh xăng dầu, phân bón, vật tư nhông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật; Đề nghị BCĐ 389 quốc gia có chỉ đạo thành lập và hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền về hoạt động của các Đoàn liên ngành phòng CBL-GLTM&HG của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực này, đảm bảo tập trung, thống nhất, tránh chống chéo nhiệm vụ trên cùng một địa bàn quản lý….
Thay mặt Đoàn công tác, ông Trần Đức Đông đã ghi nhận những nỗ lực và kết quả mà BCĐ 389 tỉnh Bình Định đạt được trong thời gian qua, đồng thời chia sẻ những khó khăn trong công tác phòng CBL-GLTM&HG của địa phương. Về những đề suất, kiến nghị của BCĐ 389 Bình Định, ôngTrần Đức Đông ghi nhận và sẽ báo cáo Thường trực BCĐ 389 quốc gia để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Được biết, theo kế hoạch, Đoàn công tác BCĐ 389 quốc gia còn tổ chức khảo sát thực tế tại Cảng Quy Nhơn và Cảng Thị Nại./.
Viết Hiền