Cụ thể, các đơn vị cần quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các kế hoạch, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ công tác năm 2019 đã đề ra.
Các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng cần nâng cao năng lực để nhận diện các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, để phòng ngừa và xử lý. Cần chủ động xây dựng và triển khai Kế hoạch cao điểm dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 tại địa phương.
Xử lý nghiêm người đứng đầu bao che, dung túng buôn lậu
Trong đó, đặc biệt, các đơn vị cần tập trung: Tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm như: ma túy, pháo nổ, sản phẩm động vật hoang dã, quý hiếm; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng nhập lậu; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm; hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, gian lận xuất xứ nhằm mục đích buôn lậu, trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng, chuyển tải bất hợp pháp…; cần tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng; trao đổi thông tin kịp thời, xây dựng các chuyên án để đánh đúng, đánh trúng, bắt giữ xử lý các đối tượng chủ mưu cầm đầu.
Các đơn vị cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để xử lý nghiêm trước pháp luật; xử lý nghiêm các vụ việc đã phát hiện, tránh kéo dài gây dư luận xấu trong xã hội; rà soát các vụ việc nổi cộm để xử lý đúng người, đúng tội…
Với công tác xây dựng lực lượng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đinh Tiến Dũng đề nghị tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, siết chặt kỷ cương kỷ luật; quán triệt quan điểm không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân quản lý địa bàn, lĩnh vực để xảy ra các vụ việc vi phạm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phức tạp, kéo dài.
Riêng Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cần chú trọng công tác tham mưu, tổng hợp, nhất là việc đề xuất hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ, không để các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả lợi dụng, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong phát hiện, xử lý vi phạm; cần chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban (Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình), tổng hợp kết quả thực hiện, tập trung vào những việc làm được, những việc chưa làm được để báo cáo.
Các đơn vị cần chủ động làm việc với đại diện các cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ thường trực Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành và một số địa phương trọng điểm; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
PV