Người tiêu dùng mua hàng tại Hội chợ Xúc tiến tiêu dùng năm 2020 tại TP.HCM
Người tiêu dùng mua hàng tại Hội chợ Xúc tiến tiêu dùng năm 2020 tại TP.HCM. (Ảnh: PHƯƠNG AN)

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê doanh thu bán lẻ hàng hóa cả nước năm 2020 ước đạt 3.996.900 tỉ đồng (tương đương 172,8 tỉ USD), tăng 6,8% so với năm 2019; quy mô thị trường tăng thêm 11 tỉ USD. Các chuyên gia kinh tế đánh giá con số 172,8 tỉ USD là rất ấn tượng trong bối cảnh cả thế giới đang gánh chịu nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, thị trường bán lẻ các nước bị sụt giảm mạnh, trong nước thì doanh nghiệp (DN) khó khăn, phá sản, người lao động mất việc làm… Đây cũng là mức doanh thu cao nhất trong 1 năm của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Tại TP.HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa trong năm 2020 đạt 759.714 tỉ đồng (tương đương 32,84 tỉ USD), tăng 11,9% so với năm trước.

Thống kê của một số DN bán lẻ lớn cho thấy thị trường bán lẻ bắt đầu nhộn nhịp trở lại trong nửa cuối năm 2020, một phần do càng về cuối năm các DN càng tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, một phần do nhu cầu tiêu dùng dần phục hồi trong bối cảnh Việt Nam kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Theo báo cáo của Thế Giới Di Động, doanh thu và lợi nhuận trong tháng 11/2020 đều tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế 11 tháng của năm, doanh thu công ty này đạt 99.300 tỉ đồng, hoàn thành 90% kế hoạch; trong khi lợi nhuận đạt xấp xỉ 3.600 tỉ đồng, vượt 4% kế hoạch năm.

Còn doanh thu bán lẻ trong 11 tháng của PNJ tăng đến 21,7% so với cùng kỳ và tiếp tục tăng tốt trong tháng 12 (doanh thu bán buôn giảm 18,4%). Hệ thống bán lẻ VinCommerce của Masan ghi nhận doanh thu tăng 56,5% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm.

Trong báo cáo lợi nhuận DN niêm yết vào đầu tháng 12 vừa qua, FiinGroup (công ty chuyên cung cấp dữ liệu tài chính) đánh giá ngành bán lẻ và thực phẩm - đồ uống được dự báo tiếp tục tăng trưởng doanh thu, đồng thời duy trì tăng trưởng lợi nhuận sau thuế nhờ nhu cầu của thị trường tiếp tục được cải thiện. Trong đó, ngành thực phẩm và đồ uống có lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) tăng 15,9%. Nếu không tính đến Masan, lợi nhuận kế toán của các DN ngành thực phẩm và đồ uống tăng 30,8% trong khi EBIT tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Báo cáo của một số công ty nghiên cứu thị trường, công ty chứng khoán chỉ ra rằng các chuỗi bán lẻ đang tái cấu trúc dưới sự ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mô hình bán lẻ cũng đang thay đổi dần khi các cửa hàng bách hóa phải đối mặt hiện trạng biên lợi nhuận sụt giảm do lượng khách sụt giảm, chi phí vận chuyển và đầu vào tăng. Trong khi đó, nhóm sản phẩm thiết yếu bao gồm ngành hàng tiêu dùng - thực phẩm được ưu tiên chi tiêu hơn. Các kênh hiện đại và trực tuyến tăng trưởng mạnh hơn. Trong tương lai, dù dịch bệnh được kiểm soát, thị phần bán lẻ vẫn sẽ có sự dịch chuyển đáng kể. 

Nguyễn Tùng