Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông), cho biết ngay từ đầu năm 2021, ban đã xác định bảy chiến lược phát triển giao thông TP trong năm năm tới. Theo đó, sẽ có bảy nhóm dự án tương ứng với bảy chiến lược quan trọng này.
Ông Phúc cho biết thêm, các dự án trọng điểm trong năm 2021 và năm năm tới sẽ được Ban giao thông phối hợp với Sở GTVT để thực hiện. Theo đó, bảy chiến lược phát triển giao thông TP sẽ được phân chia theo nhóm cụ thể như sau:
Thứ nhất là nhóm dự án trọng điểm. Đây là nhóm bao gồm các dự án cao tốc, vành đai, cửa ngõ có vai trò quan trọng đối với mạng lưới giao thông TP. Trong năm nay, Ban giao thông trình HĐND TP về chủ trương đầu tư cho tám dự án thuộc nhóm này. Tiêu biểu là các dự án khép kín vành đai 2, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, mở rộng các tuyến đường cửa ngõ TP như quốc lộ (QL) 50, QL52, QL1A...
Thứ hai là nhóm dự án tập trung vào các điểm nóng về giao thông của TP.HCM. Điển hình ở đây là hai điểm nóng khu vực Tân Sơn Nhất và Cát Lái. Đối với điểm nóng Tân Sơn Nhất, điển hình có dự án kết nối đường Trần Quốc Hoàn với nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất mà Bộ GTVT sẽ xây dựng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, hàng loạt dự án tại khu vực sân bay sẽ được khởi công đồng bộ trong thời gian tới như đường Tân Kỳ Tân Quý, Hoàng Hoa Thám, Cộng Hòa...
Đối với điểm nóng Cát Lái, TP sẽ khởi công đồng loạt ở đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, đường liên cảng mới đi dọc bờ sông..., từ đó từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực này.
Thứ ba là các dự án hoàn thiện trục Bắc - Nam để nối kết khu Nam với trung tâm TP. Trong đó, Ban giao thông đang chuẩn bị đầu tư cho dự án cầu đường Nguyễn Khoái đi từ quận 7 qua quận 4 và tới quận 1. Trong định hướng tương lai sẽ có dự án cầu đường Bình Tiên, cầu Phú Định; hoàn thiện đường trục Nguyễn Hữu Thọ đi xuống cảng Hiệp Phước (Nhà Bè); hoàn thiện trục đường 15B song song với đường Huỳnh Tấn Phát... Tất cả dự án này là chiến lược giảm tải áp lực giao thông cho phía nam TP.
Nhóm thứ tư là hoàn thiện mạng lưới giao thông cho đô thị sáng tạo phía đông. Đây là chiến lược đầu tư các dự án giao thông cho khu vực TP Thủ Đức. Trong đó, khu vực nút giao An Phú, đường D7, trục đường nối kết với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây... sẽ được triển khai xây dựng trong thời gian tới.
Thứ năm, phát triển xe buýt nhanh (BRT) kết nối với tuyến metro số 1. Tuyến giao thông này sẽ cùng với metro trở thành bộ khung chủ lực để phục vụ khu đô thị TP Thủ Đức trong tương lai với vai trò vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. Từ đó, hạn chế xe cá nhân và phát triển giao thông công cộng.
Thứ sáu, tập trung vào giao thông thủy. Sẽ có 10 dự án nạo vét, chỉnh trang tuyến sông trên địa bàn TP. Các dự án sẽ tạo điều kiện cho tàu trên 5.000 tấn được vào các cảng, phục vụ chiến lược phát triển giao thông thủy của TP.
Thứ bảy là tiếp tục hoàn chỉnh, nâng cao năng lực giao thông ở các tuyến giao thông nội đô như nút giao, cầu vượt và hoàn thiện các hệ thống đường đô thị ở các quận, huyện.
Ông Phúc thông tin: Năm 2021 là năm bản lề để khởi công hàng loạt dự án trong bảy nhóm chiến lược nói trên. Giao thông sẽ thay đổi và hoàn thiện hơn một bước sau khi đưa các dự án trên vào hoạt động.
Nguyễn Tùng