Lễ ký kết hợp tác chương trình Tư duy tài chính - giữa Ban Mai school và JA Việt Nam

Lễ ký ra mắt chương trình Tư duy tài chính - giữa Ban Mai school và JA Việt Nam.

Tại sao cần giáo dục tư duy tài chính cho trẻ ngay từ nhỏ?

Khi nói về vấn đề dạy con cách quản lý tài chính, nhiều cha mẹ quan niệm rằng trẻ con chưa biết gì cho nên không cần thiết phải chú trọng đến việc giáo dục. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của ĐH Cambridge (Anh), thói quen tài chính của đứa trẻ bắt đầu hình thành khi 7 tuổi, và đó là lời nhắc nhở cho cha mẹ hãy xây dựng, vun đắp cho con sự thông minh về tiền bạc ngay từ thời điểm này. 

Cô Nguyễn Thị Thanh Nương, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Ban Mai cho biết, thế hệ các thầy cô giáo như mình từ nhỏ không có cơ hội được tìm hiểu, có những nhận thức tích cực về tư duy tài chính, nên phải tự trải nghiệm và mất rất nhiều thời gian, có khi gần hết cả cuộc đời mới nhận ra được những kỹ năng, bài học cho bản thân. Vậy nên, với sự phát triển của xã hội như ngày nay, việc đưa tư duy tài chính vào trong giáo dục là một điều rất cần thiết. 

“Cuộc sống luôn cần tạo ra cơ hội và trải nghiệm, để khám phá ra chính mình, đặc biệt với học sinh: Khi tham gia vào các môn học - là cơ hội để học sinh xem mình phù hợp và thiên hướng phát triển tốt ở môn học nào. Khi tham gia các dự án về văn nghệ, thể thao, mỹ thuật... là cơ hội để học sinh xem mình có năng lực, tài năng ở những lĩnh vực này hay không. Và kinh doanh - cũng là một lĩnh vực, giúp học sinh phát hiện ra mình có những tố chất, thế mạnh về kinh doanh hay không”, cô Nương nói. 

Với câu hỏi được đặt ra: Giả sử bố mẹ nói các con còn quá nhỏ để quan tâm và tìm hiểu về tài chính, em có suy nghĩ gì?

Học sinh Đỗ Thành An (5T) chia sẻ: “Quản lý tiền sớm sẽ giúp em có thêm những kỹ năng khác, tự lập khi đi tham quan, dã ngoại không có bố mẹ, hoặc kỹ năng đi chợ”.

Học sinh Nguyễn Khánh Linh bày tỏ: “Trong môn học Tư duy tài chính tại trường, chúng em còn được chia thành từng nhóm và đưa ra những dự án, kế hoạch kinh doanh nho nhỏ. Đây là đam mê của chúng em và chúng em muốn được trải nghiệm để tích lũy kinh nghiệm sau này. Thế nên dù những kế hoạch đưa ra có thất bại hay thành công, chúng em đều sẽ có những kỹ năng và kinh nghiệm”.

Được biết, tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Singapore giáo dục tài chính và khởi nghiệp được giảng dạy trong chương trình chính khóa cho học sinh từ những năm 1900. Riêng Israel, việc giáo dục tư duy tài chính và khởi nghiệp cho trẻ ngay từ nhỏ luôn được Chính phủ, gia đình và nhà trường chú trọng.

Tại Mỹ, chương trình xóa mù về tài chính cho người dân được triển khai từ lứa tuổi mẫu giáo cho tới khi trưởng thành, đi làm. Đối với họ, Quản lý tài chính là kỹ năng mà tất cả mọi người đều cần, dù giàu hay nghèo mỗi người đều có những vấn đề của riêng mình. Vì vậy, cần dạy cho trẻ nhỏ làm quen, hiểu và trở thành người thông minh trong lĩnh vực tài chính ngay từ tuổi nhỏ. 

Có gì trong các giờ học Tư duy tài chính tại Ban Mai school? 

Ngày 30/5/2020, Hệ thống giáo dục Ban Mai đã chính thức ký kết hợp tác với Tổ chức Junior Achievement Việt Nam (JAVN) triển khai Chương trình Giáo dục: Tư duy Tài chính – Kiến tạo doanh nhân trẻ.

Chương trình Tư duy tài chính - Kiến tạo doanh nhân trẻ, được áp dụng tại Hệ thống giáo dục Ban Mai từ năm học 2020 – 2021 nhằm trang bị cho học sinh tư duy tài chính, giúp học sinh tự tin hơn trong cuộc sống, chi tiêu tiền hiệu quả cũng như khám phá tiềm năng của mình, đồng thời có tính hướng nghiệp và khởi nghiệp ở bậc THPT. 

Nhà giáo Mai Thị Lan Anh chia sẻ tại buổi tọa đàm kiến thức về quản lý tài chính cá nhân dành cho phụ huynh học sinh
Nhà giáo Mai Thị Lan Anh chia sẻ tại buổi tọa đàm kiến thức về quản lý tài chính cá nhân dành cho phụ huynh học sinh.

Nhà giáo Mai Thị Lan Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục Ban Mai cho biết, chương trình được triển khai cho học sinh từ cấp Tiểu học đến hết Trung học phổ thông nhằm trang bị những kỹ năng, kiến thức nền tảng về kinh tế, tài chính, làm chủ cuộc sống, đồng thời xây dựng tư duy khởi nghiệp, tinh thần đổi mới ngay từ trên ghế nhà trường.

“Đặc biệt, Ban Mai kỳ vọng, việc đưa các bộ môn liên quan đến kinh doanh vào trường học sẽ tạo nền tảng vững vàng cho mong muốn khởi nghiệp đang lan rộng trong thế hệ trẻ Việt Nam”, Nhà giáo Lan Anh nhấn mạnh.

Chương trình Tư duy tài chính tại Ban Mai gồm 3 mảng nội dung chính:

Một là, kiến thức tài chính: Cách phân bổ ngân sách và sử dụng tiền hiệu quả, cơ cấu và cách hoạt động của hệ thống tài chính - ngân hàng, xác định và phòng tránh rủi ro tài chính...

Hai là, kiến thức kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp: Cách thức lên ý tưởng, thành lập, điều hành các cơ sở kinh doanh, gọi vốn đầu tư, vay vốn ngân hàng...

Ba là, hướng nghiệp: Cách thức xây dựng hình ảnh bản thân, xác định mục tiêu, lập kế hoạch, xây dựng hồ sơ, thư xin việc...

Đối với khối Tiểu học, học sinh sẽ được làm quen các thuật ngữ đơn giản như: Phân biệt cần – muốn; nguồn gốc, giá trị đồng tiền; tiền trong xã hội. Học sinh sẽ nhận biết các nhóm nghề trong xã hội thông qua công việc của các thành viên trong gia đình, cộng đồng nơi con sinh sống.

Bên cạnh đó, học sinh tìm hiểu các khái niệm cơ bản về khởi tạo cơ sở kinh doanh, lập kế hoạch, dự trù chi phí… Các hoạt động học tập được triển khai dưới dạng hoạt động trải nghiệm thực tế qua các trò chơi và các bài tập thực hành như quản lý tiền mừng tuổi, một khoản chi tiêu trong gia đình, cộng đồng, lập kế hoạch kinh doanh đơn giản….

Lên đến cấp Trung học cơ sở, học sinh sẽ được học 4 khái niệm quản lý tài chính cơ bản; sử dụng tiền hiệu quả; cách tính chi phí khởi tạo cơ sở kinh doanh. Nhóm kiến thức về nghề nghiệp sẽ được chú trọng trong cấp học này với việc rèn luyện các kỹ năng 4C; thương hiệu cá nhân; tìm hiểu nhà tuyển dụng.

Tiếp nối kiến thức về khởi tạo doanh nghiệp đơn giản của tiểu học, học sinh cấp Trung học cơ sở sẽ được học các kiến thức để phân tích sâu từng bước tạo lập doanh nghiệp, đặc điểm doanh nhân, nghiên cứu thị trường… thông qua các hoạt động trải nghiệm, dự án thực tế.

Chương trình dành cho khối Trung học phổ thông hướng đến mục tiêu giúp học sinh định hướng tương lai thông qua việc lập kế hoạch tài chính và lường trước rủi ro trong cuộc sống, trở thành những người chủ động, có trách nhiệm với nguồn tài chính của bản thân.

Định hướng nghề nghiệp trong tương lai ở cấp Trung học phổ thông được thể hiện bằng các hoạt động trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp, khám phá các nghề nghiệp tại các trường đào tạo để học sinh có thể lựa chọn các nghề nghiệp phù hợp trong tương lai.

Nâng cao hơn chương trình Trung học cơ sở, học sinh Trung học phổ thông sẽ được thực hành vận hành một doanh nghiệp thực tế từ khi thành lập, tìm kiếm khách hàng, bán hàng, quản trị nhân sự, marketing, tài chính và quản trị rủi ro... và cả các thủ tục pháp lý liên quan tới phá sản, giải thể doanh nghiệp.

Những chuyến học trải nghiệm thực tế Ban Mai Company Tour, các học sinh đi tham quan học tập tại các doanh nghiệp, nhà máy… và những bài tập thực hành sẽ giúp các học sinh chủ động chiếm lĩnh tri thức và trang bị những kỹ năng phản xạ trước các vấn đề kinh tế vi mô, vĩ mô của xã hội.

Cô giáo Nguyên Thanh Hải (3I1) với một tiết dạy môn Tư duy tài chính
Cô giáo Nguyên Thanh Hải (3I1) với một tiết dạy môn Tư duy tài chính.

Cô Lê Thanh Tâm, Phụ trách chương trình Tư duy tài chính tại Ban Mai school cho biết, trong học phần này, các học sinh còn được học các kiến thức về quá trình xây dựng ý tưởng khởi tạo doanh nghiệp và Start-up. Học sinh được tự ứng tuyển các vị trí trong doanh nghiệp giả định và xây dựng cơ cấu phòng ban phù hợp lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp. Sau đó, nhà trường sẽ bố trí thời gian thực tập ngắn hạn tại các doanh nghiệp đối tác của trường để các em có cơ hội trải nghiệm và cọ sát với thực tế để khám phá hết năng lực bản thân và định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Cô Lê Thanh Tâm cho biết: “Kết thúc mỗi năm học, học sinh được nhận giấy chứng nhận hoàn thành chương trình JA. Giấy chứng nhận là tấm vé, cơ hội để học sinh ghi tên của mình vào mạng lưới học sinh JA toàn cầu và là tiền đề để học sinh tham gia những cuộc thi lớn có quy mô quốc tế”.

Đình Khoa - Hồng Vân