“Thăm dò” phản ứng của thị trường
Ngay từ đầu tháng 7 âm lịch, các quầy bánh trung thu đã được mở bán ở Hà Nội để phục vụ ngày rằm tháng 7 và đón đầu thị trường Tết Trung thu. Tuy vậy, dù đã qua ngày rằm tháng 7 nhưng không khí mua bán loại bánh truyền thống này vẫn rất ảm đạm.
Dọc các con phố, khu chung cư ở Hà Nội như: Mễ Trì hạ, Dương Đình Nghệ, Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm), Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia lâm), hay Xuân Thuỷ (quận Cầu Giấy) và tại nhiều sảnh trung tâm thương mại, khách sạn lớn, mặt đường lớn trong các khu đô thị như Nam An Khánh (Hoài Đức), Vin Smart (Nam Từ Liêm)… đã xuất hiện các quầy trưng bày, bán bánh Trung thu.
Phần lớn các quầy bánh trung thu quen thuộc: Kinh Đô, Hải Hà, Hữu Nghị, Thu Hương... đã bắt đầu tham gia vào “cuộc đua” sớm trên thị trường. Thị trường bánh trung thu năm nay gần như không có sự thay đổi quá nhiều về nhân bánh và hương vị, chủ yếu vẫn là sử dụng các nhân truyền thống.
Theo ghi nhận của PV, đối với dòng bánh trung thu truyền thống, tại Hà Nội, bánh trung thu Bảo Phương là một trong số ít cửa hàng bánh truyền thống còn giữ được hương vị cổ xưa, được người dân Hà Nội ưa chuộng. Theo thông tin từ bảng giá bánh trung thu Bảo Phương 2024 cho thấy, giá bánh trung thu năm nay dao động từ 250.000 đến 680.000 đồng/hộp tùy loại nhân và thương hiệu.
Ở phân khúc cao cấp, bánh trung thu có giá từ 1 đến 5 triệu đồng/hộp. Với bánh bán lẻ, giá dao động trong khoảng 45.000 đến 120.000 đồng/chiếc tùy loại và nhãn hiệu.
Khảo sát ngoài thị trường, giá bánh trung thu năm nay tăng nhẹ 2.000 - 5.000 đồng/chiếc so với năm ngoái. Loại có trọng lượng 150 - 200gr dao động 50.000 - 200.000 đồng/chiếc. Một hộp bánh trung thu gồm 3 - 6 chiếc có giá 200.000 - 500.000 đồng, riêng những hộp cao cấp có giá 500.000 - 5.000.000 đồng/hộp.
Dọc đường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) một trong những vị trí đẹp được các thương hiệu lựa chọn để bày bán bánh trung thu, vì xung quanh khu vực này dày đặc khu dân cư và các tòa cao ốc. Tuy nhiên, theo quan sát, phần lớn quầy bánh vẫn rơi vào cảnh chờ khách. Dưới chân toà nhà Goden Place ngay sát mặt đường Mễ Trì, nơi có nhiều phương tiện giao thông qua lại, dù đã qua rằm tháng bảy nhưng các quầy bánh trung thu của nhiều thương hiệu lớn vẫn "vắng như chùa bà đanh".
Một nhân viên nói: "Mỗi ngày, cửa hàng bán được vài hộp, chủ yếu là loại giá bình dân. Các hộp cao cấp, đắt tiền vẫn chưa được nhập về nhiều vì hiện chưa phải là cao điểm tiêu thụ".
Ngay cả những quầy hàng nằm sát mặt đường, ngay dưới chân toà chung cư cao tầng cũng vắng khách. Một tiểu thương lý giải: "Tháng 7 chưa phải đúng vụ trung thu nên các quầy hàng bánh rất khó đông khách. Phần lớn người tiêu dùng vẫn có tâm lý đợi đến tháng 8 mới mua vì lúc đó sản phẩm sẽ đa dạng hơn. Vì thế, thời điểm này khách chỉ mua số lượng ít để cúng rằm tháng 7 hoặc làm quà biếu tặng".
Ngay tại mặt sảnh trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Smart City mọc lên gần chục quầy bánh trung thu rực rỡ màu sắc. Tuy nhiên, tại nhiều thời điểm phóng viên ghi nhận, các quầy này cũng trong tình trạng không một bóng người.
Theo lời của một số chủ quầy hàng, việc bày bán sớm bánh trung thu, đặc biệt là các dòng sản phẩm mới có tác dụng như thước đo để “thăm dò” phản ứng của thị trường. Mở bán bánh trung thu sớm đáp ứng thói quen chuộng mua bánh trung thu sớm để biếu tặng của người tiêu dùng, việc mở bán sớm còn hướng đến đối tượng khách hàng là các siêu thị mua số lượng lớn.
Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm Tết Trung thu
Do mặt hàng bánh Trung thu chỉ mang tính thời vụ, đòi hỏi việc kiểm soát an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Công tác kiểm tra không chỉ tập trung vào các cơ sở nhỏ lẻ mà còn được tăng cường tại các doanh nghiệp có thương hiệu, tên tuổi trên thị trường.
UBND TP Hà Nội vừa có kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu trên địa bàn thành phố năm 2024. Từ ngày 5/8 đến 20/9/2024, các sở, ngành liên quan và UBND các cấp huyện, cấp xã tăng cường tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức và thực hành cho người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết Trung thu..
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm đã triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống…
Qua đó, kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu có dấu hiệu hình sự, đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.
Người tiêu dùng nên mua bánh có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, trên bao bì ghi đầy đủ thông tin nhà sản xuất, địa chỉ sản xuất, hướng dẫn sử dụng, cách bảo quản… Sử dụng khi bánh còn nguyên vẹn, bao bì không rách, không nên mua bánh có mùi lạ.
Tổng Cục quản lý thị trường QLTT vừa ký ban hành Văn bản số 2257/TCQLTT-CNV ngày 13/8/2024 gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu năm 2024 và kiểm tra chất lượng hàng hoá đến hết năm 2024.
Theo nội dung Công văn, dịp Tết Trung thu sắp tới nhu cầu tiêu dùng các loại thực phẩm, rượu, bia, bánh, kẹo, đồ chơi trẻ em, đặc biệt là bánh trung thu sẽ gia tăng.
Để phòng ngừa, ngăn chặn các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường, bảo vệ quyền lợi và sức khoẻ người tiêu dùng, Tổng cục QLTT đề nghị Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý theo địa bàn, thu thập thông tin, kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn, xử lý việc kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền, giả mạo nhãn hiệu, không bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh trung thu, rượu, bia, nước giải khát, đồ chơi trẻ em ...
Đối với mặt hàng bánh Trung thu, trong giai đoạn trước Tết Trung thu, kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh Trung thu, nội dung kiểm tra tập trung vào nguồn gốc nguyên liệu sản xuất bánh Trung thu; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, kiểm tra chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm. Trong dịp Tết Trung thu, tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh, các đại lý, cửa hàng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu. Sau dịp Tết Trung thu, tập trung kiểm tra việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng.
Khánh Yên