Xăng dầu là mặt hàng chiến lược của mỗi quốc gia, thiết yếu đối với đời sống xã hội, có tác động trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế.
Bên cạnh xăng dầu chính ngạch nhập khẩu đã qua kiểm tra chất lượng, hiện nay xăng dầu sản xuất trong nước được chứng nhận hợp quy là bảo đảm chất lượng; sản lượng xăng dầu sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 80-90% nhu cầu thị trường. Song, bên cạnh đó, xăng dầu giả, kém chất lượng do buôn lậu, pha chế, kinh doanh trái phép còn tồn tại và có chiều hướng gia tăng do gian lận tinh vi phức tạp.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều đường dây sản xuất, buôn bán xăng kém chất lượng, xăng không rõ nguồn gốc bị phát hiện và triệt hạ thời gian qua thì vấn đề minh bạch xuất xứ và siết chặt quản lý chất lượng xăng dầu ngày càng trở nên cấp thiết.
Phát biểu tại buổi tọa đàm “Xăng dầu giả, thiệt hại thật" (ngày 29/11), đề cập về khó khăn trong công tác ngăn chặn xăng dầu giả, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) chia sẻ: “Trong lúc chờ đợi kết quả kiểm nghiệm thì xăng dầu vẫn phải lưu thông liên tục. Khi phát hiện ra sai phạm chất lượng thì lúc đó xăng trong bồn đã tiêu thụ hết, gây khó khăn trong vấn đề xử lý tang vật”.
Vì vậy theo ông Trần Hữu Linh, điều này đòi hỏi Việt Nam phải có sự điều chỉnh về mặt chính sách cũng như phối hợp giữa các bên thì mới có thể ngăn chặn hiệu quả tình trạng này.
Theo Tổng Cục QLTT, trong những năm qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng xăng, dầu diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho kiểm soát.
Từ đầu năm 2018 trở lại đây, lực lượng QLTT đã xử lý được khoảng 5.000 vụ việc liên quan tới xăng dầu giả; xử lý vi phạm hơn 1.000 vụ việc, tước quyền sử dụng 37 giấy phép kinh doanh, tịch thu 6 cột bơm và một cây xăng. Địa bàn gian lận thương mại xăng dầu hiện tương đối phổ biến tại khu vực miền Tây Nam Bộ, khu vực Trung Bộ và lác đác một số tỉnh phía Bắc.
Thực tế, vấn nạn buôn bán xăng giả, xăng kém chất lượng hiện chủ yếu xảy ra ở các cửa hàng nhỏ lẻ. Tại đây, phần lớn khách hàng mua nhỏ không lấy hóa đơn nên đại lý xăng dầu rất dễ “hợp thức hóa” khi mua xăng, dầu trôi nổi trên thị trường.
Chia sẻ thêm vấn đề này, ông Nguyễn Anh Toàn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) cho rằng: Khâu phức tạp nhất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất chính là việc bán lẻ. Tại các thành phố lớn, công tác giám sát, kiểm tra chặt chẽ thì xác suất sẽ tốt hơn ở vùng sâu vùng xa.
Để kiểm soát tốt hơn tình trạng xăng dầu giả, ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học Công nghệ) chia sẻ: “Trước đây, Nghị định 84/2009/NĐ-CP quy định: Mỗi thương nhân phân phối chỉ được lấy một nguồn nhưng giờ Nghị định 83 lại cho lấy nhiều nguồn nên khó kiểm soát”.
Theo ông Trần Quốc Tuấn, tới đây Việt Nam nên quy định chặt chẽ thương nhân phân phối. Qua kiểm tra, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phát hiện thương nhân phân phối, thậm chí không có hệ thống mà toàn đi thuê mướn lại nhưng vẫn được tiêu chuẩn như thương nhân phân phối. Nguy cơ xảy ra vi phạm lại tập trung chủ yếu ở những thương nhân phân phối này nên cần tăng cường kiểm tra kiểm soát.
“Nếu không có gì thay đổi, tháng 12/2019 sẽ có một Nghị định mới quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xăng dầu, khí và gas. Chúng tôi rất kỳ vọng chế tài mới này sẽ đủ sức răn đe để hạn chế các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu trong thời gian sắp tới”, ông Trần Hữu Linh cho hay.
Hoan Nguyễn