Căn cứ theo Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát, sỏi đến năm 2020, tầm nhìn 2030, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 3 tuyến sông gồm sông Lô, sông Hồng, sông Phó Đáy với 13 khu vực thăm dò, khai thác trên tổng diện tích hơn 300 ha, trữ lượng cát đã thăm dò đạt gần 9,3 triệu m³.
Tương tự, trong Quy hoạch sử dụng than bùn đến năm 2020, tầm nhìn 2030, toàn tỉnh có tổng diện tích khai thác hơn 195 ha với trữ lượng tài nguyên dự tính khoảng 2,7 triệu tấn.
Tổng diện tích quy hoạch khai thác khoáng sản vật liệu thông thường (đất san lấp) phục vụ các dự án trên địa bàn tỉnh khoảng 552,26 ha với 28 khu vực thuộc địa bàn các huyện và thành phố Vĩnh Yên.

Để đảm bảo việc bảo vệ, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản (TNKS) một cách hiệu quả, bền vững, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng. Trong đó có Quyết định số 07 quy định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân trong quản lý và khai thác TNKS; Chỉ thị số 03 về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khoáng sản; và Quyết định số 713 về phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh.
Kết quả đạt được là công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh diễn ra hiệu quả. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản chấp hành tốt quy định pháp luật, khai thác đúng công suất, tiến độ theo quy hoạch chung. Đồng thời, các khu mỏ được cấp phép đều có hồ sơ môi trường được phê duyệt và quản lý theo quy định.
Năm 2024, ngành chức năng tích cực tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, Danh mục khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản (đất san lấp) phục vụ các công trình đầu tư công trên địa bàn tỉnh; gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản đất san lấp đối với khu vực không đấu giá khoáng sản.
Các sở, ngành phối hợp UBND các huyện, thành phố rà soát phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trong quy hoạch tỉnh, triển khai thực hiện phương án, lập kế hoạch đấu giá (thí điểm) quyền khai thác khoáng sản.
Tỉnh đã tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản đối với các tổ chức, cá nhân khai thác tại huyện Bình Xuyên và Tam Đảo. Qua thanh tra, một tổ chức bị đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản trong 3 tháng, cùng với các kiến nghị xử lý hành chính theo quy định.
Nhằm làm rõ tiềm năng tài nguyên khoáng sản phục vụ thăm dò, khai thác và sử dụng, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát quy hoạch khoáng sản, đặc biệt với các loại như đá xây dựng, cát, vật liệu san lấp… Đồng thời, công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản cũng được siết chặt hơn để đảm bảo khai thác bền vững.
Đồng thời khảo sát các khu vực có tiềm năng, đề xuất bổ sung quy hoạch mới các mỏ đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu về khoáng sản, đặc biệt là vật liệu san lấp cho các dự án trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh như đá xây dựng, sét gạch ngói, vật liệu san lấp… tiếp tục rà soát các mỏ và điểm khoáng sản hiện hữu để khoanh định, xác định rõ tiềm năng trữ lượng để quy hoạch thăm dò cấp phép khai thác hoặc cấm thăm dò khai thác.
Đồng thời phát huy trách nhiệm của các ngành, chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ và quản lý chặt chẽ khoáng sản chưa khai thác, khu vực đóng cửa mỏ trên địa bàn tỉnh; bảo vệ cảnh quan, môi trường, an ninh trật tự và đời sống của người dân địa phương tại khu vực có khoáng sản.
Tỉnh yêu cầu gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác trái phép.
Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa các địa phương giáp ranh cũng được xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, ngăn chặn hoạt động khai thác trái phép, sai quy định. Những biện pháp này không chỉ giúp hạn chế thất thoát tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng bền vững của tỉnh trong dài hạn.
Hà Trần (t/h)