Theo nhận định của cơ quan chức năng, trong năm 2017, tình hình buôn lậu, hàng giả, hàng cấm tại Nghệ An vẫn xảy ra nhiều và diễn biến phức tạp với những phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây khó khăn trong công tác kiểm soát, quản lý của các ngành chức năng.

Đặc biệt, hàng hóa từ nước ngoài được đưa vàoViệt nam với đầy đủ chủng loại từ hàng tiêu dùng đến nguyên liệu sản xuất.

BCĐ 389 Nghệ An: Xử phạt hơn 13 ngàn vụ, thu hơn 385 tỷ đồng - Hình 1

Trong năm 2017, BCĐ 389 Nghệ An đã  xử phạt hơn 13 ngàn vụ,  thu hơn 385 tỷ đồng.

Trên tuyến biên giới đất liền, hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các loại hàng hóa chủ yếu vẫn là các mặt hàng như: Điện tử, điện lạnh, rượu, bia, thuốc lá, hàng cấm (pháo nổ) vật liệu nổ, gỗ, động vật hoang dã ... vẫn diễn ra ở các khu vực cửa khẩu và qua các đường mòn, lối mở tuyến Biên giới Việt - Lào.

Trên tuyến biên giới biển, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép có dấu hiệu tạm lắng. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát, thu thập thông tin nhằm kiểm soát chặt chẽ các hành vi vi phạm có thể xảy ra như buôn lậu khoáng sản, xăng dầu, pháo nổ và các loại hàng hóa khác.

Trên thị trường nội địa, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cơ bản ổn định, đã được kiểm soát. Tình trạng vận chuyển, buôn bán các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng tập trung vào các mặt hàng: Quần áo may mặc, mỹ phẩm, đồ điện gia dụng, thuốc lá, gỗ, sản phẩm động vật... hàng hóa chủ yếu vận chuyển từ các tỉnh biên giới phía bắc đưa về hoặc qua địa bàn Nghệ An đưa vào các tỉnh phía Nam để tiêu thụ.

Hoạt động buôn lậu chủ yếu tập trung vào các mặt hàng như: Ô tô nhập lậu, lâm sản, xăng dầu, phụ tùng ôtô, thuốc lá, động vật hoang dã quý hiếm, đồ uống và hàng điện tử, điện lạnh, hóa mỹ phẩm thẩm lậu vào Nghệ An qua các cửa khẩu. Các loại hàng hóa giá rẻ, kém chất lượng, không đảm bảo chất lượng VSATTP diễn ra thường xuyên nhất là các loại mỹ phẩm, điện tử gia dụng, điện thoại di động, quần áo may mặc sẵn, giày dép gây ảnh hưởng đến việc tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.

BCĐ 389 Nghệ An: Xử phạt hơn 13 ngàn vụ, thu hơn 385 tỷ đồng - Hình 2

Trong năm 2017, hàng loạt vụ buôn bán pháo lậu tại Nghệ An bị lực lượng chức bắt giữ.

Trong năm qua, tình trạng gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp với các hành vi trốn thuế, in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ. Hành vi vi phạm của các doanh nghiệp chủ yếu là: Kê khai thiếu thuế giá trị gia tăng đầu ra của các công trình xây dựng đã nghiệm thu khối lượng hoàn thành; Xác định không chính xác mức giảm trừ cho bản thân và giảm trừ gia cảnh khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân.

Năm 2017, tại Nghệ An nổi lên là tình hình pha trộn xăng kém chất lượng để lừa dối khách hàng gây thiệt hại cho người tiêu dùng cũng như môi trường kinh doanh tại địa phương.

Trong năm 2017 BCĐ 389 tỉnh tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ ngành TW, BCĐ 389 quốc gia, Tỉnh ủy, UBND tỉnh để chỉ đạo các ngành, các địa phương đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Theo kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại năm 2017 của BCĐ 389 Nghệ An, trong năm 2017 đơn vị đã tổ chức kiểm tra xử phạt 13.647 vụ; Tổng giá trị thu phạt là 385.977,615 triệu đồng.

Trong đó: Phạt hành chính là 121.525,012 triệu đồng; Phạt bổ sung và truy thu thuế là 227.779 triệu đồng; Tiền bán hàng tịch thu được là 20.798,913 triệu đồng; Trị giá tang vật tịch thu trong kỳ chưa thanh lý là 15.875,690 triệu đồng.

BCĐ 389 Nghệ An: Xử phạt hơn 13 ngàn vụ, thu hơn 385 tỷ đồng - Hình 3

Năm 2017, tại Nghệ An nổi lên là tình hình pha trộn xăng kém chất lượng để lừa dối khách hàng gây thiệt hại cho người tiêu dùng cũng như môi trường kinh doanh tại địa phương. 

Theo dự báo của cơ quan chức năng, tình hình buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại từ nay đến cuối năm vẫn diễn ra phức tạp, đặc biệt sẽ có xu hướng gia tăng vào dịp trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm, đường, sữa, bia, rượu, nước giải khát, quần áo may mặc sẵn, đồ dùng gia đình, đồ điện gia dụng, xăng dầu và một số mặt hàng khác. Các đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, mặt hàng vi phạm ATTP như: pháo, thuốc nổ, rượu, bia, thuốc lá, gỗ, động vật quý hiếm, quần áo may mặc sẵn, sản phẩm từ động vật, gia súc, gia cầm … sẽ diễn ra với nhiều mức độ khác nhau chủ yếu trên các tuyến biên giới và trên thị trường nội địa.

Để làm tốt công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, các Sở, ngành, các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và các lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực được phân công.

Các đơn vị chủ động thực hiện tốt công tác trinh sát, nắm địa bàn, thực hiện tốt công tác phối kết hợp giữa các lực lượng để kiểm tra, quản lý tốt vùng cửa biển, tuyến biên giới, đường bộ, đường sắt, bến xe, bến cảng nhằm tăng cường sức mạnh của lực lượng kiểm tra, ngăn chặn kịp thời tình trạng buôn lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại. Đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo đúng qui định của pháp luật.

Lê Quyết