Ông Trần Q.. ở phường Vỹ Dạ (Huế) cho biết, tôi trên 80 tuổi là đối tượng chính sách, hàng tháng đến khám tại BVYDH, tiền thuốc thì BHYT thanh toán còn bệnh nhân như tôi đều phải trả phí vệ sinh 5.000 đồng/người/lần. Tương tự ông Nguyễn D.. ở phường An Cựu (Huế) cho biết thêm, khám ngoại trú thì phí vệ sinh 5.000 đồng/người/ngày còn bệnh nhân nội trú thì 10.000 đồng/người/ngày.
Bệnh nhân ngoại trú bị thu phí vệ sinh 5.000 đồng/ngày
Trao đổi với PV báo Thương hiệu & Công luận, PGS,TS Nguyễn Khoa Hùng- Quyền giám đốc BVYDH thừa nhận ông không biết sự việc này vì mới được bổ nhiệm thay giám đốc cũ về hưu. Tuy nhiên ông lý giải, BVYDH không nhận ngân sách nhà nước, tự chủ 100%. Kinh phí hoạt động của BV, 85% nguồn thu từ khám chữa bệnh, BHYT số còn lại 15% BVYDH có được từ các nguồn đào tạo và dịch vụ của BV như cho thuê giữ xe, mở căng tin… Trong lúc đó, BVYDH gắn liền với trường Đại học Y khoa Huế và 95% BS, CBCNV là từ trường đưa sang.
Ông Hùng cho biết thêm, BVYDH bệnh nhân BHYT chiếm 98%. Riêng phòng khám hàng ngày có từ 70- 75% bệnh nhân BHYT, 25% còn lại là khám dịch vụ. Số lượng bình quân mỗi ngày phòng khám phục vụ bệnh nhân ngoại trú trên dưới 900người/ngày, khoảng 4.500BN ngoại trú/tuần; còn BN nội trú 700 giường luôn đạt 100%... Với con số này, có người làm phép tính nhẩm, chỉ với 900 BN ngoại trú/ngày BVYDH đã thu tiền phí vệ sinh khoảng 4,5 triệu đồng/ngày và 700 giường bệnh đạt 100% nghĩa là thêm 700BN nội trú, với 10.000đồng/người/ngày vị chi riêng khoản phí vệ sinh thu trên đầu BN, BVYDH đã thu được khoản kinh phí trên 11 triệu đồng/ngày (?)
Bệnh nhân nội trú phí vệ sinh 10.000 đồng/ngày
Khi hỏi về nguồn thu phí vệ sinh của BVYDH có được phép hay không? Trả lời báo Thương hiệu& Công luận, Ông Hoàng Trong Chính- Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội, giám đốc BHYT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết trong hợp đồng ký kết với BHYT để thực hiện việc triển khai khám chữa bệnh cho BN được BHYT chi trả hoàn toàn không có khoản thu “phí vệ sinh” này. Về nguyên tắc thì trong các khoản chi của BHYT đảm bảo cho việc khám chữa bệnh của bệnh nhân có bảo hiểm thì đã bao gồm tất cả các khoản từ khám, điều trị… đến điện, nước,…
Ông Chính cho biết sẽ làm việc với BVYDH để xem bệnh viện đã thu phí vệ sinh bệnh nhân dựa trên cơ sở pháp lý nào. Vì BHYT trước khi ký hợp đồng với một cơ sở khám chữa bệnh nào cũng đảm bảo rằng các cơ sở đó đủ điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, các thiết bị y tế… Một cơ sở y tế nếu thiếu đi một trong những điều kiện thì không thể ký hợp đồng. Ông Chính nói thêm, nhiều tỉnh thành đang thực hiện miễn phí thu ở các cơ sở vệ sinh công cộng nhưng với bệnh viện nếu thu tiền phí vệ sinh đúng là cần phải xem lại. Ông khẳng định “Theo tôi các BV không nên thu tiền phí vệ sinh!”
Với nhiều người khác thì cho rằng tại sao nhiều cơ sở khám chữa bệnh BHYT khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế không hề có phí vệ sinh mà chỉ có ở BVYDH. Đây là nguồn thu tưởng nhỏ nhưng không hề nhỏ ở một cơ sở khám chữa bệnh. Khoản phí vệ sinh này không biết cơ quan chủ quản là Trường Đại học Y Huế có biết không và sử dụng nguồn thu này như thế nào?
Trần Minh Tích