Đây là khoản nợ đã được ngân hàng giải ngân cho Vinaxuki và nhà máy tại Thái Nguyên để vận hành sản xuất ôtô “made in Vietnam” từ những năm trước đó.
Khoản nợ trên có tài sản bảo đảm gồm một lô đất và tài sản gắn liền tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh (Hà Nội) tổng diện tích 138.814 m2. Đây chính là nơi đặt nhà máy sản xuất của Vinaxuki.
Ngoài ra, các máy móc thiết bị tại Nhà máy Vinaxuki Mê Linh, quyền khai thác mỏ quặng Antimon và dây chuyền tuyển quặng tại xã Đắk Drông, huyện Cư Jút (Đắk Nông); tài sản gắn liền với đất của Nhà máy Vinaxuki Thái Nguyên (Thái Nguyên) cũng được cầm cố cho khoản nợ.
Giá khởi điểm được BIDV đưa ra bằng gốc cộng lãi vay tính đến thời điểm BIDV thông báo cho công ty dịch vụ đấu giá triển khai phiên đấu giá đầu tiên. Được biết, tổng dư nợ gốc và lãi tính đến hết ngày 15/9/2019 là 1.265.111.125.606 đồng.
Nhà máy Vinaxuki tại Mê Linh đóng cửa nhiều năm
Được biết, Vinaxuki bắt đầu chuyển hướng và đầu tư vào làm dòng xe con từ năm 2009. Khi đó, công ty đã có lãi và cũng từng có đối tác muốn tham gia góp vốn.
Tuy nhiên, kinh tế năm 2010 khó khăn khiến thị trường ôtô suy giảm, hàng nghìn xe lắp ráp xong nhưng không bán được, xe bán được cũng phải giảm giá dẫn đến khó khăn trong thu hồi vốn.
Lợi nhuận của Vinaxuki giảm dần và lần đầu báo lỗ 45 tỷ vào năm 2012. Những năm tiếp theo kết quả kinh doanh vẫn khó khăn trong khi hệ thống ngân hàng rơi vào thời kỳ suy yếu 2012-2013 khiến Vinaxuki không thể quay vòng vốn. Nhà máy sau đó rơi vào tình trạng không còn tiền để trả lương người lao động, mua nguyên liệu, các dây chuyền sản xuất dần dần ngừng hoạt động ở Thanh Hóa, Mê Linh, Đắk Nông.
Năm 2019, ông Huyên vẫn khẳng định chỉ cần 40 tỷ đồng khôi phục lại toàn bộ máy móc, dây chuyền sản xuất và thêm 20 tỷ nữa để đào tạo cho 5.000 công nhân trong 2 năm. Tuy nhiên, tới nay mọi việc không tiến triển, BIDV rao bán tài sản và câu chuyện dường như chính thức khép lại với giấc mơ ô tô Việt của Vinaxuki.
Ngọc Linh