Bệnh nhân đến cơ sở y tế điều trị sau khi đã bó thuốc nam không rõ nguồn gốc
Bệnh nhân đến cơ sở y tế điều trị sau khi đã bó thuốc nam không rõ nguồn gốc. (Ảnh: Minh họa)

Vai trò của thuốc nam trong chữa bệnh nói chung và điều trị chấn thương gãy xương nói riêng đã đem lại kết quả đáng kể, thêm nhiều lựa chọn cho người bệnh. Tuy nhiên, thời gian qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp - Hải Phòng đã tiếp nhận điều trị cho rất nhiều trường hợp người bệnh bị di chứng nặng nề sau chấn thương lựa chọn bó thuốc nam chưa đúng cách.

Trường hợp bệnh nhân P.V.H (38 tuổi) nhập viện vào tháng 02/2023 với triệu chứng sưng đau, hạn chế vận động gối phải sau chấn thương bó thuốc nam 05 tuần tại nhà không đỡ. Người bệnh đã được thăm khám và chuẩn đoán gãy cũ đầu dưới xương đùi di chứng can lệch xương, teo cơ, hạn chế vận động khớp gối, được chỉ định phẫu thuật phá can xương, chỉnh ổ gẫy, kết hợp xương gãy, tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật.

TS.BSCKII Nguyễn Việt Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật kỹ thuật cao theo yêu cầu thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp - Hải Phòng, trực tiếp khám và phẫu thuật cho bệnh nhân P.V.H cho biết: sau chấn thương nếu ổ gãy ban đầu ít di lệch có thể bảo tồn bó bột và điều trị ngoại trú tại nhà, nhưng do người bệnh không khám và điều trị tại bệnh viện mà lựa chọn bó thuốc nam không cố định ổ gẫy vững chắc dẫn đến di chứng nặng nề như trên.

Cũng theo TS.BSCKII Nguyễn Việt Dũng, nguyên nhân do tâm lý người bệnh khi gặp các chấn thương sâu tai nạn thường ngại đến các bệnh viện điều trị nên thường lựa chọn sử dụng thuốc nam. Đặc biệt có những trường hợp người bệnh không vào viện thăm khám, chụp XQ mà bó thuốc nam trực tiếp dẫn đến việc điều trị sai cách, làm tổn thương thêm trầm trọng.

Có nhiều trường hợp chấn thương phần mềm rộng dù không gãy xương, trật khớp nhưng người bệnh đắp thuốc nam gây loét, hoại tử phần mềm để lại hậu quả nặng nề, phải nhập viện điều trị dài ngày. Những trường hợp này, nếu người bệnh đến thăm khám sớm ngay sau chấn thương sẽ được chỉ định điều trị ngoại trú với thuốc hỗ trợ có thể phục hồi hoàn toàn.

Trường hợp 01 bệnh nhân khác tại xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng do đùa nghịch với bạn đã bị trật khớp khuỷu tay trái cách đây 1 năm. Gia đình em không đưa vào viện mà đưa em đi bó lá. Khi nhập viện Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp – Hải Phòng, tay của em đã ở tình trạng rất tệ: Khớp khuỷu tay vẫn ở tình trạng bị trật, khuỷu tay biến dạng, dây chằng đều bị tổn thương, tay không co duỗi được bình thường, chỉ gấp lại được khoảng 70 độ. Tuy chỉ định phẫu thuật nhưng bác sĩ không dám chắc sau ca mổ, tay em có trở lại được như cũ hay chỉ cải thiện được phần nào tình trạng do di chứng.

Theo nhiều chuyên gia y tế, có bệnh có thể chữa bằng nhiều cách: Đông y; Tây y. Nhưng gãy xương mà đi bó thuốc nam thì nguy cơ rước tật vào thân là rất cao. Nhiều thầy lang “nhà” tự quảng cáo có thuốc gia truyền chữa xương khớp hiệu quả, thực chất là gì? Thuốc nam chữa gãy xương chủ yếu là các vị thuốc có tác dụng tiêu sưng, giảm đau.

Trong trường hợp người bệnh bị gãy xương kín không có di lệch hoặc rạn xương, nếu đảm bảo cố định xương tốt thì sau 6 đến 8 tuần, cơ thể sẽ tự bồi đắp chất tạo xương khiến xương liền lại. Không có thuốc nào đắp bên ngoài có tác dụng làm liền xương cả. Quá trình tạo xương và liền xương đều diễn ra tự động trong cơ thể, không cần tác động gì thì một vết xương vẫn tự liền sau 6 đến 8 tuần.

Do đó, nguyên tắc của cả Đông y lẫn Tây y trong điều trị gãy xương đều là phải nắn chỉnh xương trở lại trạng thái giải phẫu ban đầu, cố định để khỏi bị di lệch, trong đó chắc chắn và triệt để nhất là phẫu thuật bắt vít xương. Nhiều lương y chỉ nhận chữa trị xương gãy sau khi có phim chụp XQ chỗ xương gãy. Nếu chỗ gãy phức tạp, độ di lệch quá lớn, lương y sẽ khuyên người bệnh nên đến bệnh viện để phẫu thuật. Tuy nhiên, thực tế vẫn rất nhiều kiểu “thầy lang vườn” nhận bệnh bệnh bấp chấp nhằm khoa trương thanh thế, quảng cáo lấy tên tuổi bằng cách dùng lời lẽ thao túng tâm lý người bệnh như “giúp đùn can xi nhanh hơn, liền xương chỉ sau 5 đến 7 ngày”.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, sau một chấn thương dù nặng hay nhẹ, người bệnh nên tuân thủ sơ cứu như: cần bất động chi thể bằng dụng cụ thô sơ tại chỗ như cố định tay, chân vào tấm gỗ, đũa cả, nẹp tre...để hạn chế việc chấn thương trầm trọng thêm. Với những vết thương chảy máu, cần dùng băng gạc y tế sạch băng ép vết thương lại hạn chế sự chảy máu; sử dụng đá lạnh bọc vào khăn, vải và túi nilon bên ngoài chườm lên vùng chấn thương và quanh vùng chấn thương 5 – 10 phút. Vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán, điều trị kịp thời, đùng thời điểm, đúng phác đồ điều trị.

Qua đây, các chuyên gia y tế cũng cảnh báo người dân khi gặp phải các chấn thương liên quan đến gãy xương, hãy đến bệnh viện để được các bác sĩ điều trị, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà bằng bất cứ phương pháp nào của dân gian để tránh những biến chứng, rủi do có thể xẩy ra.

Lương Huệ (t/h)