Hãng tin Reuters dẫn hai nguồn tin ngoại giao ASEAN cho biết, đại diện Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila đã tìm cách gây ảnh hưởng lên nội dung của thông cáo chung nói trên thông qua vận động hành lang các quan chức Philippines.

Tuy nhiên, đã có 4 nước thành viên ASEAN không đồng ý với việc loại bỏ khỏi dự thảo cụm từ “bồi lấp và quân sự hóa” - cụm từ được đưa vào tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào năm ngoái, nhưng không được đưa vào một dự thảo tuyên bố chung trước đó của hội nghị năm nay mà Reuters thu thập được hôm thứ Tư tuần này.

Biển Đông lại vào dự thảo tuyên bố chung thượng đỉnh ASEAN - Hình 1

Ảnh chụp từ trên cao ngày 21/4/2017 cho thấy những công trình mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Reuters.

Việc ASEAN đề cập đến vấn đề biển Đông thường không nêu tên Trung Quốc. Nước này lâu nay vẫn đặc biệt “nhạy cảm” với bất kỳ điều gì mà họ cho là ám chỉ đến việc bồi lấp trái phép 7 đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam và xây dựng trên đó nhiều công trình gồm nhà để máy bay, đường băng, trạm radar… 

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm nay diễn ra trong bối cảnh sự khó lường về những lợi ích của Mỹ trong khu vực và về việc liệu Washington có duy trì hiện diện trong khu vực để đối trọng với Trung Quốc hay không.

Dự thảo cuối cùng của tuyên bố chung hội nghị thượng đỉnh ASEAN vẫn cần phải được các nước thành viên nhất trí. Tuy nhiên, việc đưa vấn đề biển Đông vào dự thảo tuyên bố là một động thái cho thấy ASEAN đang chống lại những động thái của Trung Quốc nhằm giữ các hoạt động phi pháp của mình trên biển Đông khỏi chương trình nghị sự của ASEAN.

Bản dự thảo mới nhất cũng cho thấy mối quan hệ đang nảy nở giữa Bắc Kinh với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người chủ trì hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần này, có thể không đủ để gây ảnh hưởng lên lập trường của Manila - nguồn tin ngoại giao nói.

Theo các nhà ngoại giao này, giới chức Trung Quốc đã gây sức ép để tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh ASEAN không có bất kỳ cụm từ nào có thể bị diễn giải là ám chỉ đến phán quyết vụ kiện biển Đông mà tòa án trọng tài quốc tế ở The Hague, Hà Lan đưa ra vào năm ngoái. Trong đó, Trung Quốc đặc biệt “ngại” cụm từ “hoàn toàn tôn trọng các quy trình pháp lý và ngoại giao” - nguồn tin cho hay.

Tuy nhiên, dự thảo tuyên bố mới nhất vẫn bao gồm cụm từ này, dù cụm từ không được nhắc đến trong phần nói về biển Đông, mà đưa vào phần nói về tầm nhìn cộng đồng ASEAN.

Phán quyết mà tòa án trọng tài đưa ra trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về biển Đông đã khiến Bắc Kinh nổi giận. Phán quyết này coi yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc nhằm tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ biển Đông là vô căn cứ. Trung Quốc từ chối công nhận phán quyết này.

Đơn kiện Trung Quốc về biển Đông đã được Philippines nộp lên tòa trọng tài vào năm 2013. Đến tháng 7/2016, tòa ra phán quyết về vụ kiện.

Trong một động thái thể hiện mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, Tổng thống Duterte nói ông sẽ không ép Trung Quốc phải sớm tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài về biển Đông. Hôm thứ Năm tuần này, ông Duterte nói việc ASEAN gây áp lực với Trung Quốc về các hoạt động của nước này trên biển Đông sẽ chẳng mang lại lợi ích gì.

Tuy nhiên, cách đây hai tháng, Ngoại trưởng Philippines khi dó là ông Perfecto Yasay vẫn nói ông và các đối tác ASEAN “rất lo ngại” khi nhận thấy có những hệ thống vũ khí được lắp đặt tại các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trên biển Đông và xem đây là “hành động quân sự hóa khu vực”. 

ASEAN và Trung Quốc đặt mục tiêu trong năm nay sẽ nhất trí về khuôn khổ cho một bộ quy tắc ứng xử (COC) về biển Đông, 15 năm sau ngày cam kết sẽ soạn thảo bộ quy tắc này. Một số nhà ngoại giao ASEAN đã bày tỏ sự lo ngại về việc liệu Trung Quốc có chân thành trong vấn đề này không, hay liệu ASEAN có đủ đòn bẩy để khiến Bắc Kinh cam kết với một bộ quy tắc hay không.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Reuters hôm 27/4, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh nói COC cần có sự ràng buộc pháp lý để ngăn chặn “những hành động đơn phương”.

Bình Minh - vneconomy