Hội nghị “Thúc đẩy đầu tư, phát triển thương mại, du lịch với các đối tác Ấn Độ” do UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Viết Hiền
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Viết Hiền

Tham dự Hội nghị có các vị: Hồ Quốc Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định; Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT); Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh; Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; Nguyễn Thị Phong Vũ, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định; các vị trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, hội đoàn thể, các huyện, thị xã, thành phố; cùng 40 tập đoàn, doanh nghiệp (DN) Ấn Độ…

Ông Hồ Quốc Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: V.H
Ông Hồ Quốc Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: V.H

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hồ Quốc Dũng đã nêu bật ý nghĩa của mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Bình Định - Việt Nam - Ấn Độ. Ông Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết: Hơn 50 năm qua, Việt Nam - Ấn Độ luôn duy trì tình hữu nghị, bền vững và ngày càng phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, từ “đối tác chiến lược” năm 2007 nâng lên “đối tác chiến lược toàn diện” năm 2016. Đó là nền tảng vững chắc để quan hệ hợp tác cấp địa phương giữa hai bên, trong đó có quan hệ hợp tác giữa tỉnh Bình Định với các doanh nghiệp, đối tác Ấn Độ thêm cơ hội rộng mở. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, tỉnh Bình Định đã và đang tích cực chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, kêu gọi, thu hút đầu tư, thương mại, du lịch nước ngoài, trong đó đặc biệt chú trọng đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN), đối tác Ấn Độ. Tỉnh đã tiếp nhận các chuyên gia du lịch do phía Ấn Độ phái cử, tăng cường kết nối với các công ty lữ hành của Ấn Độ để hỗ trợ quảng bá thông tin du lịch Bình Định, nhờ vậy, khách du lịch Ấn Độ biết đến Bình Định ngày càng nhiều hơn. Tuy đã đạt được kết quả bước đầu, nhưng nhìn chung, quan hệ hợp tác thương mại, du lịch, thu hút đầu tư các doanh nghiệp Ấn Độ vào tỉnh Bình Định còn khá khiêm tốn, quy mô thấp, lĩnh vực chưa đa dạng, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của hai bên.

Bàn chủ tọa Hội nghị. Ảnh: Viết Hiền.
Bàn chủ tọa Hội nghị. Ảnh: Viết Hiền.

Cũng theo ông Hồ Quốc Dũng, tỉnh Bình Định xác định tầm nhìn, định hướng phát triển tương lai sẽ là trung tâm KH&CN, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam; kinh tế phát triển bền vững dựa trên các trụ cột: công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ thông tin và AI; du lịch chất lượng cao; nông nghiệp hữu cơ và hệ thống logistics hiệu quả. Những lĩnh vực này đều là thế mạnh của Ấn Độ. Đồng thời, những ảnh hưởng, giao thoa giữa văn hóa Ấn Độ và Việt Nam được thể hiện đậm nét tại Bình Định. Đây là chìa khóa để thu hút cộng đồng DN, người dân, du khách Ấn Độ đến tìm hiểu, du lịch, khám phá cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Bình Định, mở ra một giai đoạn phát triển mới tốt đẹp, góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ nói chung, quan hệ hợp tác giữa tỉnh Bình Định với các DN, đối tác Ấn Độ nói riêng.

Phát biểu tại Hội nghị “Thúc đẩy đầu tư, phát triển thương mại, du lịch với các đối tác Ấn Độ”, ông Đỗ Thành Trung ghi nhận, đánh giá cao mục đích, ý nghĩa của Hội nghị. Ông Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết: Hội nghị là sự kiện rất có ý nghĩa, là cơ hội để chúng ta cùng nhau chia sẻ về tiềm năng, lợi thế của Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng, cũng như các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam và tỉnh để hỗ trợ các nhà đầu tư Ấn Độ.

Ông Đỗ Thành Trung phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: V.H
Ông Đỗ Thành Trung phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: V.H

Theo ông Đỗ Thành Trung, tính lũy kế đến tháng 5/2024, Việt Nam đã thu hút 40.285 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 481 tỷ USD. Đối với các nhà đầu tư, tập đoàn lớn của Ấn Độ, Việt Nam đã trở thành đối tác, điểm đến đầu tư quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Ấn Độ hiện đứng thứ 25/146 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 407 dự án và tổng vốn đăng ký hơn 1,02 tỷ USD. Đây là nền tảng vững chắc để Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.

Đối với tỉnh Bình Định, bắt kịp với xu thế, trong thời gian qua, Bình Địnhđã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, chủ động, sáng tạo trong phát triển KT-XH nói chung và thu hút đầu tư nước ngoài nói riêng. Lũy kế đến tháng 5/2024, Bình Định có 104 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt gần 1,3 tỷ USD. Với cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, tỉnh Bình Định đã và đang tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối thuận lợi giữa các vùng và hoàn thiện kết cấu các hạ tầng KT-XH như hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp.

Đặc biệt, chính quyền tỉnh Bình Định luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp các nhà đầu tư nghiên cứu và triển khai hoạt động kinh doanh có hiệu quả.

Với sự quyết tâm và hành động thiết thực của Đảng bộ, chính quyền cùng với sự ủng hộ của nhân dân địa phương là nền tảng quan trọng giúp Bình Định trở thành địa điểm hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, quan hệ hợp tác đầu tư giữa Ấn Độ với Việt Nam nói chung và với tỉnh Bình Định nói riêng thời gian qua vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các bên. Các nhà đầu tư Ấn Độ hiện có 4 dự án đầu tư tại Bình Định với tổng vốn đăng ký đạt 3,24 triệu USD. Dư địa cho hợp tác đầu tư trong các ngành lĩnh vực tiềm năng còn rất lớn, đặc biệt là các lĩnh vực thế mạnh của Ấn Độ như: năng lượng sạch, đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, y tế, nông nghiệp công nghệ cao...

Đồng thời, ông Đỗ Thành Trung khẳng định: Với lịch sử truyền thống hào hùng, tiềm năng lợi thế riêng có của mảnh đất  “trời văn đất võ”, đặc biệt là tinh thần vượt khó, tự lực tự cường, tin rằng tỉnh Bình Định sẽ thực sự trở thành điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Ấn Độ.

Bộ KH&ĐT sẵn sàng đồng hành cùng các Bộ ngành hỗ trợ Bình Định biến ý tưởng và quyết tâm phát triển của tỉnh thành hiện thực. Bộ KH&ĐT cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu và triển khai hoạt động đầu tư để các doanh nghiệp Ấn Độ tiến hành đầu tư thành công, bền vững, lâu dài tại tỉnh Bình Định, hướng đến sự phát triển bền vững của tỉnh và sự thịnh vượng của hai nước.

Ngài Madan Mohan Sethi phát biểu tại Hội nghị.Ảnh: Viết Hiền
Ngài Madan Mohan Sethi phát biểu tại Hội nghị.Ảnh: Viết Hiền

Đáng lưuý là phát biểu của ngài Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, ngài Madan Mohan Sethi cho biết: Hội nghị là sự kiện quan trọng đánh dấu mốc hợp tác mới giữa hai địa phương, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ và Việt Nam. Hội nghị thu hút sự tham gia của khoảng 40 DN  Ấn Độ hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội quý giá để các DN hai nước kết nối, trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác tiềm năng.

Thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng, tăng từ 200 triệu USD vào năm 2000 lên 15,1 tỷ USD vào năm 2022 và 14,3 tỷ USD vào năm 2023. Tuy nhiên, tiềm năng hợp tác còn rất lớn, đặc biệt là khi nhìn vào quy mô thị trường của cả hai quốc gia. Việt Nam có lợi thế về vị trí địa lý gần Trung Quốc và chi phí vận chuyển thấp, dẫn đến khối lượng và giá trị thương mại lớn với thị trường này.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang ngày càng thâm nhập vào nhiều thị trường khác nhờ hệ thống hơn 17 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA). Ấn Độ nhập khẩu các sản phẩm điện tử và máy móc từ Việt Nam, đồng thời xuất khẩu dược phẩm và dệt may sang thị trường này. Các nhà đầu tư Ấn Độ đã đóng góp đáng kể vào năng lực chế biến các loại cây trồng thương mại của Việt Nam như hạt điều và cà phê. Godrej Việt Nam là công ty Ấn Độ đầu tiên đặt cơ sở sản xuất tại Khu công nghiệp Bình Dương vào năm 1994. Sau đó, nhiều tập đoàn lớn khác như TATA, Marico, Wipro và KCP cũng đã đầu tư vào Việt Nam. Tổng giá trị đầu tư trực tiếp của Ấn Độ vào Việt Nam hiện nay lên tới hơn 1 tỷ USD, và con số này có thể lên tới 3 tỷ USD nếu tính đến các khoản đầu tư gián tiếp. Sự gia tăng kết nối hàng không giữa Ấn Độ và Việt Nam với các đường bay thẳng giữa 5 thành phố lớn (Delhi, Mumbai, Kolkata, Chennai và Bangalore) với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã thúc đẩy giao lưu thương mại và đầu tư giữa hai nước. Nhiều doanh nhân và nhà đầu tư Ấn Độ đang khám phá thị trường Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác.

Lễ ký kết biên bản hợp tác giữa UBND tỉnh Bình Định với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: V.H
Lễ ký kết biên bản hợp tác giữa UBND tỉnh Bình Định với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: V.H

Nền kinh tế Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới và dự kiến sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba vào năm 2027. Nền kinh tế Ấn Độ đang phát triển với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 6,5%, là nền kinh tế lớn duy nhất đạt được tốc độ tăng trưởng cao như vậy.

Ấn Độ đã phát triển năng lực mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như ô tô, hóa chất, nông nghiệp, dược phẩm, nhựa, da, dệt may, điện tử, CNTT, y tế và giáo dục đại học. Ấn Độ cũng đang thu hút lượng lớn vốn FDI trong nhiều lĩnh vực. Với 30% dân số thuộc tầng lớp trung lưu, một nửa dân số là thanh niên, chi phí lao động thấp và nguồn nhân lực dồi dào, Ấn Độ đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các công ty lớn trên thế giới. Chính phủ Ấn Độ đã thực hiện nhiều cải cách để thu hút đầu tư nước ngoài, loại bỏ các thủ tục phức tạp và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư

Đồng thời, ngài Madan Mohan Sethi chia sẻ: Bản thân tôi đã có dịp đến thăm TP. Quy Nhơn nhiều lần và nhận thấy rằng nơi này có tiềm năng lớn để phát triển các ngành công nghiệp lớn và nhỏ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả sản xuất.

Lãnh sự quán Ấn Độ sẵn sàng hỗ trợ kết nối các DN Việt Nam với các tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ trong các lĩnh vực nông nghiệp thông minh, nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng, CNTT, y tế, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác. Tôi rất vui mừng được biết rằng qua các buổi tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh Bình Định, các DN địa phương bày tỏ mong muốn mạnh mẽ thâm nhập thị trường Ấn Độ. Thậm chí, một số công ty Việt Nam đã mở văn phòng đại diện tại các khu vực khác nhau của Ấn Độ.

Để thúc đẩy hợp tác kinh doanh giữa hai nước, tôi khuyến khích các doanh nhân Việt Nam kết nối với các đối tác Ấn Độ tại hội nghị này. Hãy dành thời gian thảo luận về cơ hội xuất nhập khẩu sản phẩm, đồng thời tìm kiếm tiềm năng hợp tác để cùng nhau phát triển DN…

Cuối cùng, ngài Madan Mohan Sethi khẳng định: Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ cam kết tiếp tục vai trò cầu nối cho cộng đồng DN hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư từ các lĩnh vực đa dạng của Ấn Độ vào Việt Nam.

Tiếp đó, Hội nghị đã nghe ‎ ý kiến phát biểu của đại diện một số hiệp hội, DN, nhà đầu tư Bình Định, Ấn Độ liên quan đến hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch, xuất nhập khẩu…

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa các hiệp hội, DN Bình Định - Ấn Độ. Ảnh: Viết Hiền
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa các hiệp hội, DN Bình Định - Ấn Độ. Ảnh: Viết Hiền

Đặc biệt, kết thúc Hội nghị “Thúc đẩy đầu tư, phát triển thương mại, du lịch với các đối tác Ấn Độ”, các đại biểu đã đượcc chứng kiến Lễ ký kết biên bản hợp tác giữa UBND tỉnh Bình Định với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh; UBND tỉnh trao chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các đối tác Ấn Độ; Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa các hiệp hội, DN Bình Định - Ấn Độ...

                                                 Viết Hiền

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •