Đó là Quyết định số 390/QĐ-UBND “Phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Dự án: Chống xuống cấp, tu bổ và phát huy giá trị di tích Quốc gia Tháp Thủ Thiện”. Qua Quyết định, UBND tỉnh Bình Định xác định rõ mục tiêu đầu tư: Di tích tháp Thủ Thiện với niên đại gần nghìn năm tuổi, trải qua các biến động khắc nghiệt của các điều kiện lịch sử và tự nhiên, mặc dù đã được gia cố chống sụp đổ cấp thiết trước đây song chỉ là các giải pháp tạm thời, không đồng bộ nên di tích vẫn đang trong tình trạng bị hư hại và xuống cấp. Việc đầu tư tu bổ, tôn tạo và bảo tồn di tích Quốc gia Tháp Thủ Thiện là hết sức cần thiết nhằm khắc phục tình trạng xuống cấp, gia cố và phục hồi di tích, duy trì độ bền vững và phát huy giá trị di tích Tháp Thủ Thiện. Di tích sau khi hoàn thành sẽ thu hút du khách đến tham quan nghiên cứu về giá trị kiến trúc nghệ thuật, góp phần phát triển kinh tế du lịch tỉnh Bình Định. 

Một góc di tích tháp Thủ Thiện.
Một góc di tích tháp Thủ Thiện. (Ảnh: H-V)

Về quy mô đầu tư xây dựng, Quyết định 390 yêu cầu: Vệ sinh khoa học bề mặt khối xây, diệt cây dại trên tháp. Hạ giải, tháo dỡ khối xây gạch bị sạt lở, mất khả năng liên kết. Gia cố, xây phục hồi các đai khối xây góc tháp bị hư hỏng tại cốt +10m, phục hồi các tai đá trang trí. Gia cố, phục hồi mái tháp tầng 1 bị hư hại, phong hóa, mủn mục. Gia cố, neo khối xây tháp góc phía Tây Bắc có nguy cơ sạt đổ bằng phương pháp khoan neo thép không gỉ. Xây phục hồi các tháp góc trên mái tầng 1 đã bị mất, phục hồi tai đá trên các tháp góc (tháp góc phía Tây Nam, Đông Nam, Đông Bắc); Xây phục hồi hoàn thiện phần đỉnh tháp. Riêng đối với chi tiết tháp chỉ tập trung duy trì hiện trạng, bảo quản bề mặt khối xây, xây thêm lớp bảo vệ khối xây sạt lở, không phục hồi toàn khối và chi tiết trang trí…

Cũng theo Quyết định số 390/QĐ-UBND, đây là dự án thuộc nhóm C, với tổng mức đầu tư gần 06 tỷ đồng; trong đó chi phí xây dựng là trên 05 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án trên 158 triệu đồng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng trên 519 triệu đồng và chi phí dự phòng là trên 145 triệu đồng. Thời gian thực hiện dự án là 02 năm 2023-2024…

Được biết, tháp Thủ Thiện là một tháp Champa toạ lạc trên một gò thấp ở bờ nam sông Côn, thuộc địa phận thôn Thủ Thiện, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Tháp được xây dựng vào thế kỷ XI. Theo sách Đại Nam Nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn) thì tháp còn được gọi là Thủ Hương cổ tháp. Còn theo các tài liệu của người Pháp thì tháp gọi là Tour de Bronze (Tháp Thau).

Tháp Thủ Thiện được xây dựng trên một khối đất hình vuông, mỗi chiều đo được 8,5m. Đế tháp cao, hơi thóp ở phần giữa, tạo dáng choãi rộng ở phía nền, phình ra trên mặt, nâng toàn bộ thân tháp. Thân tháp là một khối trụ vuông, cửa chính mở về phía đông. Cũng như kiến trúc tháp Chăm truyền thống, tháp Thủ Thiện gồm phần thân và ba tầng phía trên mô phỏng thân tháp, có cấu trúc đồng dạng, nhỏ dần về phía trên. Ở bốn góc của mỗi tầng lại được trang trí bằng nhiều tháp nhỏ nhiều tầng cùng các phù điêu, hoa văn tinh xảo. Năm 1995, tháp Thủ Thiện đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng “Di tích Kiến trúc Nghệ thuật”.

Trải qua gần 1.000 năm tuổi, với những biến động khắc nghiệt lịch sử và tự nhiên, tháp Thủ Thiện đã bị xuống cấp, trong đó có vòm cửa đã bị sập, một số tượng thần, phù điêu bị mất…  Vì vậy, việc đầu tư tu bổ, tôn tạo và bảo tồn di tích quốc gia tháp Thủ Thiện không chỉ khắc phục tình trạng xuống cấp, gia cố và phục hồi di tích, duy trì độ bền vững, mà còn phát huy giá trị di tích, góp phần thu hút du khách gần xa…/.

Viết Hiền