Đó là một trong những nội dung chủ yếu của Văn bản số 8478/UBND-KT “Về việc đề nghị Bộ GTVT xem xét, hướng dẫn thí điểm hoạt động thủy phi cơ trên biển phục vụ du lịch” mà ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa ký ban hành.
Theo đó, qua Văn bản số 8478/UBND-KT, UBND tỉnh Bình Định cho biết: Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 14/12/2023, phát triển du lịch là một trong các trụ cột phát triển của tỉnh, nhằm xây dựng Bình Định trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực với những nét đặc trưng riêng: du lịch biển, du lịch văn hóa đặc sắc và các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh như du lịch khám phá khoa học, du lịch gắn với võ cổ truyền, bài chòi dân gian Bình Định…
Trên cơ sở Quy hoạch, tỉnh Bình Định đang tập trung phát triển, quảng bá thương hiệu du lịch, lấy điểm nhấn "Quy Nhơn – điểm đến hàng đầu châu Á”…
Bên cạnh đó, Bình Định là địa phương có lợi thế đường bờ biển dài 134 km, có nhiều bãi tắm đẹp như: Quy Nhơn, Vĩnh Hội, Hải Giang, Trung Lương, …
Bình Định còn có nhiều đảo gần bờ như: Đảo Yến, Nhơn Châu, Hòn Khô, …; có hệ thống đầm, vịnh như: Đầm Thị Nại, đầm Trà Ổ, vịnh Quy Nhơn… và hàng chục hòn đảo lớn nhỏ để phát triển các hoạt động du lịch biển.
Tuy nhiên, theo Văn bản số 8478/UBND-KT cho biết: Hiện tại Bình Định vẫn chưa có phương tiện vận tải nào phù hợp để khai thác được hết các giá trị của tài nguyên biển đảo; khám phá hết vẻ đẹp thiên nhiên của biển Bình Định. Vì vậy, việc phát triển hoạt động thủy phi cơ (taxi bay trên biển) có thể coi là một đột phá mới cho ngành du lịch của tỉnh Bình Định…
Xuất phát từ thực tế trên, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ GTVT xem xét cho thí điểm thủy phi cơ vào hoạt động du lịch, kết hợp cứu nạn cứu hộ trên biển.
Qua Văn bản số 8478/UBND-KT, UBND tỉnh Bình Đinh nêu rõ: Việc dùng thủy phi cơ tối ưu hơn so với trực thay hay máy bay mặt đất về địa bàn cất và hạ cánh. Tuy nhiên, hiện nay về quy định quản lý hoạt động của thủy phi cơ, sân bay chuyên dùng trên mặt nước, bãi cất, hạ cánh cánh trên mặt nước đã được Bộ GTVT ban hành theo Thông tư số 22/2016/TT-BGTVT (ngày 1/9/2016), song nội dung này chưa có hướng dẫn cụ thể đối với các dòng thủy phi cơ được cấp phép tại Việt Nam; thủ tục đăng ký cấp phép… Vì vậy, UBND tỉnh đề nghị Bộ GTVT có hướng dẫn cụ thể đối với các dòng thủy phi cơ được phép sử dụng tại Việt Nam và thủ tục cấp phép đối với dòng Thủy phi cơ M80 để phục vụ du khách trên địa bàn tỉnh…
Cụ thể, qua Văn bản số 8478/UBND-KT, UBND tỉnh Bình Định đẻ xuất: Dòng thủy cơ mà Bình Định lựa chọn để triển khai thí điểm là dòng Thủy phi cơ M80. Đây là dòng thủy phi cơ có trọng tải 3,1 tấn; tải trọng vận chuyển 1,2 tấn, chuyên chở tối đa 8 người (bao gồm 2 phi công, 6 hành khách); tốc độ bay tối đa 200km/h; tốc độ thủy 54 hải lý/h… Cũng theo UBND tỉnh Bình Định, bên cạnh chức năng vận tải, chuyên chở khách du lịch, Thủy phi cơ M80 còn để kết hợp cứu hộ, cứu nạn trên biển…
Viết Hiền