Chương trình Giao lưu văn hóa nghệ thuật truyền thống Ấn Độ - Việt Nam do UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức nhân kỷ niệm 52 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Việt Nam (7/1/1972 - 7/1/2024) và Kỷ niệm 74 năm Ngày Cộng hòa Ấn Độ (26/1/1950- 26/1/2024). 

Quang cảnh Chương trình Giao lưu. Ảnh: Viết Hiền.
Quang cảnh Chương trình giao lưu. Ảnh: V.H

Tham dự Chương trình giao lưu có các vị: Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh; Swagatika Bhuyan, Phu nhân Tổng Lãnh sự Ấn Độ;  Hardeep Singh, Trưởng Đoàn nghệ sỹ múa Ấn Độ; Tạ Xuân Chánh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Bình Định; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể của tỉnh; cùng đông đảo khán giả TP. Quy Nhơn…

Theo Ban tổ chức, mục đích của Chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật là nhằm tăng cường sự hiểu biết, tình hữu nghị, giao lưu văn hóa giữa nhân dân hai nước, là hoạt động thiết thực kỷ niệm 52 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ; góp phần quảng bá về con người, văn hoá, quê hương Bình Định đến với bạn bè quốc tế…

Ông Tạ Xuân Chánh phát biểu tại Chương trình. Ảnh: V.H
Ông Tạ Xuân Chánh phát biểu tại Chương trình. Ảnh: V.H

Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, ông Tạ Xuân Chánh nhiệt liệt chào mừng ngài Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh cùng Phu nhân và Đoàn nghệ sỹ múa Ấn Độ.

Ông Tạ Xuân Chánh cho biết: Quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Ấn Độ bắt nguồn từ sự giao thoa về văn hóa, tôn giáo và giao thương giữa người dân hai nước. Hai đất nước đã chia sẻ nhiều giá trị chung về lòng yêu nước, truyền thống nhân văn, yêu chuộng hòa bình và càng được gắn kết chặt chẽ bởi lý tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc. Mối quan hệ gắn bó mật thiết đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp và ngày càng đơm hoa kết trái.

Trong suốt hơn 50 năm qua, hai nước đã tích cực ủng hộ lẫn nhau trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước. Ấn Độ luôn là người bạn tin cậy, gắn bó và thủy chung, hết lòng hỗ trợ Việt Nam vượt qua các giai đoạn khó khăn, thử thách. Đặc biệt, kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2007 và nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016, hợp tác giữa hai nước ngày càng thực chất và phát huy hiệu quả trên cả 5 trụ cột là chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh, kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và văn hóa - đối ngoại Nhân dân.

Thời gian qua, hợp tác giữa tỉnh Bình Định và các địa phương của Ấn Độ đã đạt được một số kết quả nhất định. Thời gian tới, tỉnh Bình Định mong muốn Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh cùng các cộng sự sẽ tiếp tục quan tâm, tăng cường hơn nữa các hoạt động giao lưu nhân dân, kết nối cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác mọi mặt giữa Bình Định với các đối tác Ấn Độ, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ lên một tầm cao mới. 

Ngài Madan Mohan Sethi chia sẻ tại Chương trình Giao lưu. Ảnh: Viết Hiền.
Ngài Madan Mohan Sethi chia sẻ tại Chương trình. Ảnh: V.H

Phát biểu tại Chương trình giao lưu, ngài Madan Mohan Sethi cho biết: Trong các nền văn minh trên thế giới thì nền văn minh Ấn Độ với các cộng đồng dân tộc thuộc nước Cộng hòa Ấn Độ có lịch sử lâu đời. Người ta thường nói muốn biết về văn hóa Ấn Độ thì phải xem qua các điệu múa. Trên thế giới, đất nước nào cũng có những điệu múa truyền thống riêng, song hiếm có quốc gia nào có nhiều điệu múa truyền thống, đặc sắc, hấp dẫn và mang tính trường tồn như Ấn Độ. Trong đó, Punjabi là một loạt các điệu múa dân gian và tôn giáo của người dân bản địa ở vùng Punjab, nằm dọc biên giới Ấn Độ và Pakistan. Phong cách của các điệu múa Punjabi dao động từ năng lượng rất cao đến chậm rãi và dè dặt, đồng thời có những phong cách cụ thể dành cho nam và nữ.

Cũng theo ngài Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh, ông đã từng nhiều lần đến Quy Nhơn – Bình Định và rất có tình cảm với vùng đất này, nhất là về nền văn hóa, nghệ thuật truyền thống của Bình Định.

Đặc biệt, ngài Madan Mohan Sethi chia sẻ: Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh sẵn sàng tạo điều kiện để các nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống của Bình Định sang Ấn Độ giao lưu, biểu diễn. Toàn bộ chi phí chuyến đi sẽ do Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh tài trợ.

Ông Tạ Xuân Chánh (bên trái) tặng hoa và quà lưu niệm cho ngài Madan Mohan Sethi. Ảnh: V.H
Ông Tạ Xuân Chánh (bên trái) tặng hoa và quà lưu niệm cho ngài Madan Mohan Sethi. Ảnh: V.H

Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, ông Tạ Xuân Chánh cảm ơn ngài Madan Mohan Sethi và Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh, đồng thời tặng hoa và quà lưu niệm cho ngài Madan Mohan Sethi và Đoàn nghệ sỹ múa Ấn Độ.

Tiếp đó, các vị quan khách và khán giả Quy Nhơn – Bình Định đã được thưởng thức những trích đoạn múa của nghệ thuật Hát Bội truyền thống; tiết mục múa Champa và các tiết mục nghệ thuật múa truyền thống Ấn Độ…

Một tiết mục nghệ thuật Hát Bội truyền thống của Bình Định. Ảnh: Viết Hiền.
Một tiết mục nghệ thuật Hát Bội truyền thống của Bình Định. Ảnh: Viết Hiền.

Cụ thể, các nghệ sĩ của Đoàn nghệ thuật truyền thống Bình Định đã giới thiệu tiết mục múa Trình Tường; múa Chăm Hồn tháp; còn các võ sĩ, võ sinh thuộc Đội Võ cổ truyền Bình Định, Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Bình Định thì biểu diễn các tiết mục võ cổ truyền Bình Định…

Một tiết mục múa truyền thống Ấn Độ. Ảnh: V.H
Một tiết mục múa truyền thống Ấn Độ. Ảnh: V.H

Các nghệ sĩ của Đoàn nghệ sỹ múa Ấn Độ thì biểu diễn các điệu múa truyền thống Ấn Độ, trong đó có điệu múa Punjabi – một trong những điệu múa dân gian và tôn giáo đặc sắc, độc đáo của người dân bản địa ở vùng Punjab…

Viết Hiền

   

                                                                                                                                                                      

                                                                                                                                    

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •