Hội thảo “Tham vấn về các giải pháp hạ tầng xanh đề xuất cho TP Quy Nhơn” do Văn phòng Điều phối về biến đổi khí khậu (BĐKH) tỉnh Bình Định (CCCO Bình Định) phối hợp với Viện BĐKH, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức.
Tham dự Hội thảo có các ông: Huỳnh Quang Vinh, Giám đốc Văn phòng CCCO Bình Định; TS Đinh Diệp Anh Tuấn, TS Lâm Văn Thịnh (Viện BĐKH, Trường Đại học Cần Thơ); cùng với gần 60 đại biểu là các chuyên gia, nhà quản ly của các sở, ngành chức năng trong tỉnh và TP Quy Nhơn.
Theo Ban tổ chức, Hội thảo “Tham vấn về các giải pháp hạ tầng xanh đề xuất cho TP Quy Nhơn” là động thái thực hiện Quyết định số 4866/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt Văn kiện dự án “Khảo sát, đánh giá và đề xuất các phương án hạ tầng xanh cho TP Quy Nhơn. Đồng thời, Hội thảo cũng nhằm hoàn thiện các nội dung của Báo cáo đánh giá và đề xuất các phương án hạ tầng xanh cho TP Quy Nhơn (trong đó tập trung cho 12 khu vực phường nội thành Quy Nhơn).
Theo đó, tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia của Viện BĐKH, Trường Đại học Cần Thơ giới thiệu 02 báo cáo, gồm: “Tính toán thoát nước” và “Phân tích và đề xuất kịch bản hạ tầng xanh chống chịu ngập lụt cho TP Quy Nhơn”.
Cụ thể, về báo cáo “Tính toán thoát nước”, các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu một số vấn đề về tình hình ngập lụt tại 12 phường nội thành Quy Nhơn, như: Tình trạng ngập lụt; Hiện trạng hệ thống thoát nước; Tổng số cửa xả; Hệ số dòng chảy (TCVN 7957:2008); Lưu lượng chảy trong cống; Năng lực thoát nước của từng lưu vực; Năng lực hệ thống cống thoát nước; Cường độ mưa; Cường độ mưa theo TCVN 7957-2008; Thời đoạn mưa & lượng mưa trong 01 giờ; Thể tích mưa theo các chu kỳ lặp…
Trên cơ sở những nghiên cứu trên, các chuyên gia của Viện BĐKH, Trường Đại học Cần Thơ đã phân tích, đề xuất một số giải pháp và kịch bản hạ tầng xanh chống chịu ngập lụt cho TP Quy Nhơn. Tiêu biểu trong số này là giải pháp “Áp dụng hạ tầng xanh”.
Theo các chuyên gia, về không gian phát triển hạ tầng xanh, TP Quy Nhơn cần thực hiện một số vấn đề: Cải tạo, nạo vét ao và bảo tồn những ao, hồ tự nhiên, kết hợp tạo mảng xanh; Xây dựng công trình công ích kết hợp trữ nước mưa; Xây dựng công trình giao thông kết hợp trữ nước mưa…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã ghi nhận và đánh giá cao tinh thần nghiên cứu nghiêm túc, hiệu quả của Nhóm nghiên cứu Viện Viện BĐKH, Trường Đại học Cần Thơ, nhất là 02 báo cáo “Tính toán thoát nước” và “Phân tích và đề xuất kịch bản hạ tầng xanh chống chịu ngập lụt cho TP Quy Nhơn”. Đồng thời, các đại biểu cũng phát biểu góp y với Nhốm nghiên cứu nhằm bổ sung, hoàn thiện nội dung 02 báo cáo…/.
Viết Hiền