Hội nghị “Triển khai giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh (SXKD), tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (SPNN) trên địa bàn tỉnh Bình Định” do UBND tỉnh Bình Định tổ chức.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Viết Hiền
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Viết Hiền

Tham dự Hội nghị có các vị: Phạm Anh Tuấn, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Hải Giang, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Tự Công Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh; Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương Bình Định; Trần Đức Tiến, Cục trưởng Cục QLTT Bình Định; lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thj xã, thành phố; cùng gần 500 đại biểu đại diện các DN, HTX trên địa bàn tỉnh…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết: Thời gian qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và có nhiều chính sách thúc đẩy sản xuất nông, lâm, thủy sản (N-L-TS), đẩy mạnh phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn; Đã xây dựng và triển khai nhiều đề án, kế hoạch, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết nhằm nâng cao giá trị nông, N-L-TS; qua đó, đã phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực; phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, đưa các giống mới vào sản xuất N-L-TS. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất từng bước được đẩy mạnh. Diện tích đất canh tác được cơ giới hóa hầu hết các khâu trong quy trình sản xuất;. Chăn nuôi được đẩy mạnh chuyển đổi từ  nhỏ lẻ sang trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất chăn nuôi, tiêu thụ sản…

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: V.H
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: V.H

Các SPNN chủ lực của Bình Định có thể kể tên như: Sản phẩm trồng trọt có lúa, ớt, lạc, sắn, dừa, bưởi, xoài; trong đó một số sản phẩm có tiềm năng phát triển thành hành hóa tập trung hướng tới xuất khẩu như ớt, bưởi, dừa, xoài. 9 tháng đầu năm 2024, diện tích trồng rau các loại (chủ yếu là ớt) đạt 10.745,2 ha, năng suất 208.718,2 tấn; diện tích trồng bưởi đạt 725,6 ha, năng suất 882,3 tấn; diện tích trồng dừa đạt 9.258,3 ha, năng suất 91.452,6 tấn; diện tích trồng xoài đạt 992,6 ha, năng xuất 4.785,2 tấn. Về chăn nuôi với các sản phẩm chủ lực là heo, bò, gà (sản lượng 9 tháng đầu năm 2024 lần lượt là 104.053,6 tấn, 28.830,8 tấn, 18.787.2 tấn). Trong thời gian tới có nhiều cơ hội để hình thành sản phẩm tập trung theo hướng trang trại, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi sạch, chăn nuôi hữu cơ, thân thiện với môi trường, gắn với các dự án chế biến gia súc, gia cầm nhằm nâng cao giá trị ngành chăn nuôi, tiến tới xuất khẩu và hình thành thương hiệu tầm quốc tế.

Tuy nhiên, việc sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh vẫn thiếu tính bền vững, còn tình trạng được mùa mất giá, chi phí đầu vào sản xuất có lúc còn cao, chưa hình thành nhiều chuỗi giá trị từ sản xuất đến người tiêu dùng cuối. Do đó, hôm nay UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai giải pháp ổn định SXKD, tiêu thụ SPNN trên địa bàn tỉnh. Hội nghị cũng là dịp để cơ quan quản lý Nhà nước tôn vinh các thương nhân đã đóng góp cho phát triển SPNN của tỉnh; đồng thời gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của thương nhân, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn trong quá trình đầu tư, SXKD, tiêu thụ SPNN; thực hiện các giải pháp thúc đẩy SXKD trong thời gian tới…

Bàn chủ tọa Hội nghị. Ảnh: Viết Hiền.
Bàn chủ tọa Hội nghị. Ảnh: Viết Hiền.

Tiếp đó, Hội nghị đã nghe một số báo cáo, tham luận của Sở Công Thương Bình Định, Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định, Cục QLTT Bình Định…

Báo cáo của Sở Công Thương do ông Nguyễn Đình Kha, Phó giám đốc Sở trình bày đã cho biết thực trạng hoạt động SXKD, tiêu thụ SPNN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tuy đa dạng nhưng năng suất, sản lượng thấp, nhiều sản phẩm có chất lượng chưa đảm bảo; trình độ sản xuất, năng lực quản lý của các chủ thể còn yếu, chưa hiệu quả; nguồn vốn của người nông dân, các HTX, DN nông nghiệp còn hạn hẹp, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ SPNN còn rất yếu, như:

Ông Nguyễn Đình Kha trình bày báo cáo. Ảnh: V.H
Ông Nguyễn Đình Kha trình bày báo cáo. Ảnh: V.H

- SPNN trên địa bàn tỉnh khá đa dang dạng, nhưng hầu hết sản phẩm có năng xuất, sản lượng thấp; khả năng cung cấp hàng hóa hạn chế, nhiều chủ thể chỉ đủ hàng buôn bán trong vài ngày. Có các sản phẩm khi khách hàng yêu cầu số lượng lớn, cung cấp đều đặn thì không thể đáp ứng.

- Nông dân nuôi trồng, sản xuất SPNN phần lớn còn chưa đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn phổ biến như: GlobalGap, VietGap, OCOP…, chưa xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả để triển khai xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm, đặc biệt công tác cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để phục vụ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường nước ngoài còn bỏ trống.

- Các nông hộ, chủ thể nuôi trồng, sản xuất ít áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và quản lý như: ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý; tự động hóa các khâu nuôi trồng, giám sát sinh trưởng; chế biến sâu, đóng gói....

- Các nông hộ, HTX, DN có nguồn vốn, cơ sở vật chất hạn chế, khó có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng nếu không có tài sản thế chấp. Do đó, nhiều đơn vị không thể mở rộng quy mô đầu tư nuôi trồng, sản xuất.

- Nhiều HTX, năng lực đội ngũ quản lý có hạn, lớn tuổi; chưa mạnh dạn, chủ động trong việc liên kết các nông hộ để sản xuất, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

- Liên kết nuôi trồng, sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi chưa hiệu quả, một số chuỗi liên kết chưa hoàn chỉnh, quy mô nhỏ, vận hành theo phương thức “thuận mua, vừa bán”, cho nên dễ xảy ra tình trạng đứt gãy, phá vỡ thỏa thuận giữa nông dân với DN tiêu thụ sản phẩm…

Đồng thời, đại diện Sở Công Thương Bình Định đã triển khai Quy trình Quản lý sản xuất, tiêu thụ nông sản Bình Định. Theo đó, Quy trình gồm 2 bước, với 4 mô hình. Trong đó, bước 1 sẽ thực hiện thống kê diện tích, sản lượng, tiêu chuẩn sau thu hoạch và ước tính giá thành của nông sản; Lên kế hoạch tiêu thụ cho năm sau và Báo cáo tình hình tiêu thụ năm vừa qua ; còn bước 2 là quản lý sản xuất, tiêu thụ…

Bốn mô hình gồm : Mô hình « Theo chuỗi » (Hộ nông dân <–> Đơn vị đầu mối (Hợp tác xã, doanh nghiệp…) <–>Doanh nghiệp, cơ sở chế biến, sản xuất, tiêu thụ); Mô hình “Hộ nông dân bán nông sản trực tiếp cho các DN, cơ sở chế biến, sản xuất, tiêu thụ nằm trên địa bàn tỉnh”; Mô hình “Hộ nông dân bán nông sản trên các kênh thương mại điện tử”; Mô hình “Hộ nông dân bán nông sản cho thương lái đem đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh”…

Bên cạnh đó, Quy trình còn xác định rõ trách nhiệm của từng sở ngành, đơn vị trong việc hỗ trợ địa phương thực hiện quản lý sản xuất, tiêu thụ nông sản theo các mô hình trên…

Bà Nguyễn Thị Tố Trân trình bày báo cáo. Ảnh: Viết Hiền.
Bà Nguyễn Thị Tố Trân trình bày báo cáo. Ảnh: Viết Hiền.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định do Phó giám đốc Nguyễn Thị TốTrân trình bày đã giới thiệu những kết quả đạt được và những tồn tại, khó khăn trong hoạt động SXKD, tiêu thụ SPNN trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, qua báo cáo, Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định Báo cáo đề xuất 5 giải pháp chủ yếu, gồm:

Triển khai thực hiện các chính sách; lồng ghép nhiệm vụ đầu tư nâng cấp cở hạ tầng SXKD N-L-TS chất lượng, an toàn vào kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Kế hoạch thực hiện Chương trình số 11-Ctr/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025.

Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, ứng dụng KH-CN đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm N-L-TS.

Tăng cường giám sát dư lượng kháng sinh cấm và các chất độc hại trong sản phẩm N-L-TS.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH-CN, chuyển đổi số trong quản ly chất lượng an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc.

Cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản ly chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm N-L-TS….

Ông Trần Đức Tiến trình bày tham luận. Ảnh: V.H
Ông Trần Đức Tiến trình bày tham luận. Ảnh: V.H

Đối với công tác QLTT, tại Hội nghị, ông Trần Đức Tiến đã giới thiệu về Luật Giá năm 2023 và một số quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Theo đó, về Luật Giá năm 2023, Cục trưởng Cục QLTT Bình Định đã giới thiệu những điểm mới so với Luật Giá năm 2012; trong đó có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá đối với tổ chức, cá nhân; Quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ…

Về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Trần Đức Tiến đã giới thiệu tổng quan về Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ; Nghị định 17/2022/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí…

Cụ thể, ông Cục trưởng Cục QLTT Bình Định đi sâu phân tích một số quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm…, như: Hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng; Hành vi sản xuất hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng ; Hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa; Hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa; Hành vi buôn bán tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả; Hành vi sản xuất tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả; Hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; Hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác; Hành vi đầu cơ hàng hóa; Hành vi găm hàng…

Đại diện HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa phát biểu ý kiến. Ảnh: Viết Hiền.
Đại diện HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa phát biểu ý kiến. Ảnh: Viết Hiền.

Ngoài ra, Hội nghị còn nghe ý kiến, tham luận của một số DN, HTX, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh, như: HTX Thanh Niên (huyện Hoài Ân); HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa (huyện Tây Sơn); HTX Nông nghiệp Phước Hưng (huyện Tuy Phước); Làng Mai vàng An Nhơn; Công ty Vinanutrifood; Siêu thị Co.op Mart Quy Nhơn; Siêu thị GO…

Phát biểu kết luận Hội nghị “Triển khai giải pháp ổn định SXKD, tiêu thụ SPNN trên địa bàn tỉnh Bình Định”, ông Phạm Anh Tuấn cho biết: Hội nghị lần này thực sự là “Hội nghị Diên Hồng”, nhằm để lãnh đạo tỉnh Bình Định lắng nghe y kiến và tâm tư, nguyện vọng của các bên: Nhà sản xuất, nhà nông, nhà quản ly, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp…

Ông Phạm Anh Tuấn phát biểu kết luận Hội nghị.Ảnh: V.H
Ông Phạm Anh Tuấn phát biểu kết luận Hội nghị.Ảnh: V.H

Về vấn đề SXKD, tiêu thụ SPNN, ông Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phân tích: Bình Định là vùng đất có khá nhiếu sản phẩm có thế mạnh (như dừa, ớt, bưởi da xanh, gà,..). Trong đó, gà Minh Dư được thuộc top đầu thế giới…

Tuy nhiên, hoạt động SXKD,, tiêu thụ SPNN trên địa bàn tỉnh Bình Định vẫn còn những tồn tại, hạn chế, trong đó có vấn đề quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu; việc tìm kiếm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm, vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm…

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Phạm Anh Tuấn đề nghị:

Chính quyền các địa phương cần xác định rõ các sản phẩm chủ lực dựa trên điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng của từng vùng.

Tập trung tổ chức sản xuất theo vùng nguyên liệu lớn, đảm bảo đủ tiêu chuẩn và quy mô sản lượng để cung cấp cho các nhà máy chế biến.

Các hộ dân, các DN, HTX tham gia sản xuất cần thay đổi căn bản cách làm, tuân thủ các quy trình và tiêu chuẩn kỹ thuật, nhất là về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Các cơ quan thực thi cần tập trung hướng dẫn, đào tạo và giám sát việc thực hiện các quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng.

Tập trung kết nối, xúc tiến thương mại và mở rộng kênh tiêu thụ cho SPNN của tỉnh.

Cần quan tâm đến việc hỗ trợ phát triển các HTX và tổ hợp tác nhằm nâng cao năng lực sản xuất và tiêu thụ SPNN.

Đồng thời, ông Phạm Anh Tuấn khẳng định: UBND tỉnh Bình Định khuyến khích hình thành các mô hình liên kết chuỗi giá trị giữa người sản xuất, HTX và DN chế biến. UBND tỉnh cũng sẽ tập trung mời gọi các DN đầu tư vào các nhà máy chế biến, hỗ trợ về chính sách và nguồn lực cho sản xuất. Các cơ quan, đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ trong triển khai các giải pháp, nhất là công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm. Cộng đồng DN và các cơ quan truyền thông cần tích cực hỗ trợ, tuyên truyền và lan tỏa các mô hình, cách làm hiệu quả. Mục tiêu chung mà UBND tỉnh xác định là: Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, đảm bảo chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện để người dân và DN cùng phát triển bền vững…

Lễ ký kết các cam kết và mô hình tiêu thụ nông sản. Ảnh: Viết Hiền
Lễ ký kết các cam kết và mô hình tiêu thụ nông sản. Ảnh: Viết Hiền

Kết thúc Hội nghị, Ban tổ chức đã tiến hành Lễ ký kết các cam kết và mô hình tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnhBình Định. Đó là các cam kết giữa các sở, ngành với UBND 11/11 huyện, thi xã, thành phố; cam kết giữa Sở Công Thương Bình Định và các đơn vị, DN, siêu thị; cam kết giữa các đầu mối tiêu thụ với các HTX các huyện, thị xã, thành phố…/.

Viết Hiền

  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •