Theo Sở Công Thương, ngay từ đầu tháng 10/2022, đơn vị đã phối hợp cùng các sở, ngành có liên quan, UBND huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường xây dựng, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2023, Tết Nguyên đán Quý Mão và ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn bình thường mới trên địa bàn tỉnh.
Dự kiến giữa tháng 11/2022, Sở Công Thương trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch. Trong đó, giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyến đán Quý Mão năm 2023 (từ ngày 01/12/2022 đến ngày 01/03/2023), với nhiều nội dung trọng tâm nhằm đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Hàng hóa dự trữ để bình ổn thị trường phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; tránh tình trạng khan hiếm hàng hóa, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và đảm bảo giá cả luôn giảm từ 5 - 10% so với giá thị trường theo từng thời điểm.
Vận động các doanh nghiệp hoạt động thương mại, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu tham gia chương trình bình ổn thị trường bằng hình thức tổ chức bán hàng lưu động hoặc tham gia các phiên chợ vui, chương trình đưa hàng Việt nông thôn.
Nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống), Sở Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cửa hàng cung ứng và chế biến lương thực thực phẩm phải được vận hành liên tục, ổn định...
Từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh, mua bán nhằm hạn chế việc tăng giá hàng hóa tiêu dùng, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu.
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đẩy mạnh hoạt động xuất tiến thương mại, mở rộng thị trường, kết nối doanh nghiệp tham gia bình ổn dịp Tết với các ngân hàng, tổ chức tín dụng để hỗ trợ những khó khăn về vốn.
Phong Vân