Gạo nếp không thuộc danh mục dự trữ an ninh lương thực quốc gia

Gạo nếp không thuộc danh mục dự trữ an ninh lương thực quốc gia

Trước câu hỏi gạo nếp có tính trong lượng gạo dự trữ phục vụ an ninh lương thực quốc gia không của Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cho biết danh mục hàng lương thực dự trữ quốc gia và phân công cơ quan quản lý hàng dự trữ quốc gia được quy định tại Nghị định số 94 ngày 21/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật dự trữ Quốc gia.

Theo đó, danh mục hàng lương thực dự trữ quốc gia chỉ gồm gạo tẻ và thóc tẻ do Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) quản lý.

Bộ NN&PTNT cũng cho biết ở vụ Hè Thu 2019, diện tích gieo trồng tại tỉnh Long An khoảng 64.000 ha; sản lượng ước 305.000 tấn lúa nếp, tương đương 183.000 tấn gạo nếp. Trong khi đó, tỉnh An Giang ghi nhận diện tích gieo trồng khoảng 27.000 ha; sản lượng ước 155.000 tấn lúa nếp, tương đương khoảng 93.000 tấn gạo nếp.

Vụ Thu Đông 2019, diện tích gieo trồng ở tỉnh An Giang khoảng 18.000 ha; sản lượng ước 108.000 tấn lúa nếp, tương đương 65.000 tấn gạo nếp.

Ở vụ Đông Xuân 2019-2020, tỉnh Long An ghi nhận diện tích gieo trồng khoảng 65.000 ha; sản lượng ước 430.000 tấn lúa nếp, tương đương khoảng 258.000 tấn gạo nếp. Diện tích gieo trồng tại An Giang khoảng 44.000 ha; sản lượng ước 325.000 tấn lúa nếp, tương đương khoảng 195.000 tấn gạo nếp.

Bộ NN&PTNT kiến nghị tiếp tục cho xuất khẩu lượng gạo nếp hàng hóa của vụ Đông Xuân 2019-2020. Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương cung cấp tình hình xuất khẩu, nhu cầu của thị trường để làm cơ sở điều tiết tỷ lệ diện tích và sản lượng lúa nếp trong các vụ tiếp theo.

Trước đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài chính, phối hợp với Bộ Công Thương báo cáo về trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu gạo trong tháng 4 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo việc triển khai văn bản 2827 ngày 10/4 của Văn phòng Chính phủ.

Bộ Tài chính, Bộ Công Thương phải báo cáo Thủ tướng các nội dung trên trước ngày 18/4.

Hằng Vương