Trước đó, tại Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, Chính phủ đã chỉ đạo (tại Điểm 14, Mục III): giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Nghiên cứu áp dụng quy định về miễn công bố hợp quy tại Khoản 2 Điều 4 về miễn kiểm tra chất lượng tại các Khoản từ 1 đến 7 Điều 13 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm trong quản lý chất lượng đối với thức ăn chăn nuôi”.
Bổ sung đối tượng miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm
Điểm 15, Mục III: giao Bộ Y tế “Phối hợp với Bộ Tài chính (tổng cục Hải quan) hướng dẫn, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ về an toàn thực phẩm nhằm tạo bước chuyển biến đột phá trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, làm tiền đề cải cách thủ tục trong các lĩnh vực quản lý, kiểm tra chuyên ngành khác”.
Thực hiện các chỉ đạo trên của Chính phủ, Bộ Tài chính đã rà soát thực tiễn tốt đã được quy định tại các Nghị định để bổ sung các trường hợp miễn để áp dụng chung cho cả chất lượng, an toàn thực phẩm tại dự thảo Đề án. Chẳng hạn về miễn kiểm tra an toàn thực phẩm, hiện đã có 13 trường hợp theo quy định được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm (9 trường hợp tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, được bổ sung thêm 4 trường hợp Nghị định 85/2018/NĐ-CP). Tại Mô hình mới, các trường hợp miễn kiểm tra an toàn thực phẩm được đề nghị áp dụng cho miễn kiểm tra chất lượng.
Về miễn kiểm tra chất lượng, hiện đã có 18 trường hợp theo quy định được miễn kiểm tra chất lượng (15 trường hợp tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, được bổ sung thêm 3 trường hợp Nghị định 85/2018/NĐ-CP). Tại Mô hình mới, các trường hợp miễn kiểm tra chất lượng đề nghị áp dụng cho miễn kiểm tra an toàn thực phẩm. Đồng thời Bộ Tài chính cũng rà soát, xem xét bổ sung thêm các trường hợp miễn áp dụng chung cho tất cả các lĩnh vực kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.
Việc mở rộng đối tượng miễn trên nguyên tắc những đối tượng miễn giảm ở Nghị định này (Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, Nghị định số 132/2015/NĐ-CP, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, Nghị định số 85/2019/NĐ-CP, Nghị định số 17/2020/NĐ-CP) sẽ được xem xét miễn ở Nghị định kia và ngược lại, đồng thời bổ sung thêm một vài trường hợp và nhân rộng áp dụng chung cho tất cả các lĩnh vực kiểm tra chất lượng sẽ làm tăng đối tượng và lô hàng không phải kiểm tra chất lượng.
18 trường hợp được miễn kiểm tra chất lượng, miễn kiểm tra an toàn thực phẩm trong Đề án gồm:
1. Tài sản di chuyển của tổ chức cá nhân trong định mức miễn thuế; quà biếu, quà tặng trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế.
2. Hàng hóa nhập khẩu trong định lượng miễn thuế theo quy định của pháp luật phục vụ cho công tác và sinh hoạt của cá nhân/tổ chức nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao.
3. Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển, tạm nhập, tái xuất, từ nước ngoài gửi vào kho ngoại quan để xuất ra nước ngoài.
4. Hàng hóa là mẫu hàng để quảng cáo không có giá trị sử dụng, hàng mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu có số lượng phù hợp với mục đích thử nghiệm hoặc nghiên cứu có xác nhận của tổ chức, cá nhân.
5. Hàng hóa tạm nhập để trưng bày hội chợ, triển lãm.
6. Hàng hóa tạm nhập khẩu để bán tại cửa hàng miễn thuế.
7. Hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới trong định mức miễn thuế.
8. Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh có trị giá hải quan được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế;
9. Hàng hóa nhập khẩu tại chỗ;
10. Hàng tạm nhập khẩu để sửa chữa, tái chế.
11. Hàng nhập khẩu chuyên dùng cho mục đích an ninh, quốc phòng.
12. Hàng hóa đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm (đối với hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra an toàn thực phẩm);
13. Hàng hóa là sản phẩm, nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu;
14. Hàng hóa là sản phẩm, nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu để phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất của người nhập khẩu.
15. Hàng hóa nhập khẩu là hàng đơn lẻ để bảo hành, thay thế; hàng hóa là bộ phận của dây chuyền thiết bị đồng bộ.
16. Hàng hóa nhập khẩu từ nhà sản xuất đã được cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam kiểm tra tại nguồn, do các Bộ, ngành công bố theo từng thời kỳ.
17. Hàng hóa được sản xuất theo công nghệ tiên tiến và có xuất xứ từ những nước, vùng lãnh thổ có tiêu chuẩn chất lượng cao thể hiện qua các nhãn chất lượng (ví dụ: hàng hóa được gắn nhãn CE, KC, FDA…) do các bộ, ngành công bố theo từng thời kỳ.
18. Hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến nội dung cải cách trên, theo một cán bộ XNK của Công ty Yusen Logistics, về cơ bản, 18 trường hợp này đã bao quát được hầu hết hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trên thực tế, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa.
“Đứng trên góc nhìn của người khai hải quan là doanh nghiệp, quy định mới này nếu thành hiện thực sẽ giúp giải tỏa được nhiều vướng mắc và cắt giảm chi phí tuân thủ” - cán bộ XNK của Công ty Yusen Logistics cho biết.
Đơn cử các trường hợp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam nhưng chỉ phục vụ hoạt động nội bộ của doanh nghiệp như: hàng mẫu, hàng hóa phục vụ sửa chữa/ tái chế, nguyên liệu phục vụ sản xuất hoặc linh kiện thay thế cho máy móc đang hoạt động tại doanh nghiệp. Việc miễn kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm là phù hợp, bởi hàng hóa này không được tiêu thụ trên thị trường nội địa hoặc nếu sau này được doanh nghiệp thanh lý vào nội địa thì bắt buộc phải tuân thủ các quy định như hàng hóa đang lưu thông trên thị trường, nếu vi phạm thì bị các lực lượng khác như Quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành xử lý, không cần thiết phải kiểm soát từ khâu nhập khẩu.
Một điểm sáng nữa là các trường hợp hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế như CE, KC, FDA,… đều được miễn kiểm tra. Đây đều là những tiêu chuẩn cao do các nước phát triển đặt ra và được thừa nhận rộng rãi trên thị trường. Tại các nước này, cơ quan quản lý nhà nước nêu cao vai trò tự giác tuân thủ của doanh nghiệp chứ không kiểm tra theo từng lô hàng, nếu khâu hậu kiểm phát hiện vi phạm chính sách quản lý chất lượng thì bị xử phạt nặng. Mặt khác, nhà sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn này đều công khai thông tin để cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng có thể xác minh một cách dễ dàng. Vì vậy, không cần thiết phải kiểm tra một lần nữa tại khâu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam.
Thế Long