Tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, hôm nay 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi cùng một số dự án luật khác. Để bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, dự thảo Phòng, chống mua bán người sửa đổi bổ sung quy định các hành vi bị nghiêm cấm là “mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp 7 vào tháng Năm, dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp 8 vào tháng 10 tới.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung hành vi mua bán bào thai vào khái niệm mua bán người của dự thảo luật để làm cơ sở đấu tranh phòng, chống hiệu quả thực trạng thỏa thuận mua bán người khi còn đang là bào thai.

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, bào thai chưa được xác định là con người nên việc quy định mua bán bào thai trong khái niệm mua bán người là không phù hợp.

Dù vậy, cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, thực tế đang diễn ra tình trạng mua bán bào thai nhằm mục đích mua bán đứa trẻ sau khi được sinh ra và việc thỏa thuận mua bán này là tiền đề của hành vi mua bán người. Vì vậy, để bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, dự thảo luật bổ sung quy định các hành vi bị nghiêm cấm là “mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”.

Góp ý về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ tán thành bổ sung quy định cấm hành vi mua bán bào thai và thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai. Bởi, về mặt sinh học, bào thai đến một giai đoạn nhất định có thể coi là con người, có khác là môi trường tồn tại là trong bụng mẹ.

Tuy nhiên, ông Bùi Văn Cường đề nghị thay vì cấm mua bán bào thai thì nên quy định là cấm “hành vi mua bán người thành thai”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, quy định như dự thảo được tiếp thu chỉnh lý là rõ. Theo ông, thỏa thuận mua bán người từ khi còn là bào thai nghĩa là vì mục đích mua bán người.

“Tôi cho rằng cần nghiên cứu quy định sao cho cụ thể, rõ, dễ hiểu, chứ không cần giải thích nhiều, rồi giải thích xong thì không hiểu gì nữa”, ông Trần Quang Phương lưu ý.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, vấn đề bào thai khi nào được gọi là người cũng là vấn đề được tranh cãi trên thế giới. Cá nhân bà tán thành với tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo.

Bà cũng lưu ý, cầm cấm hành vi mua bán bào thai, song không thể quy định bào thai là người, vì nếu như vậy thì việc nạo, phá thai sẽ được coi là giết người. Do đó, hướng quy định xử lý như báo cáo của Ủy ban Tư pháp là phù hợp.

Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Quang Dũng cũng cho rằng, nếu xác định mua bán bào thai là mua bán người sẽ rất khó cho cơ quan chức năng, khi khái niệm bào thai có phải là người không thì cũng đang tranh cãi.

Phiên họp Chuyên đề pháp luật tháng 8/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phiên họp Chuyên đề pháp luật tháng 8/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

"Tôi đồng ý thỏa thuận mua bán người từ khi là bào thai thuộc phạm vi mua bán người nhưng đưa cả mua bán bào thai vào thì rất khó để thực hiện", ông Dũng nói.

Đại tá Vũ Xuân Đại, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng cho biết, tội phạm mua bán trẻ sơ sinh và mang thai hộ, qua thực tiễn đấu tranh của Bộ đội biên phòng ở khu vực biên giới, kết hợp với lực lượng công an đã phát hiện rất nhiều vụ việc rất nghiêm trọng. Các đối tượng này lợi dụng vào việc xuất nhập cảnh cho phép mang thai, song sang bên kia và sinh con. Tội phạm mua bán người và đặc biệt mua bán trẻ sơ sinh và mang thai hộ có chiều hướng diễn biến rất phức tạp.

Việc mua bán này không chỉ vi phạm quyền của thai nhi mà vi phạm nghiêm trọng đến phẩm giá con người. Nếu xét dưới góc độ pháp luật, hành vi của người mẹ có con bán cũng có dấu hiệu phạm tội. Việc bổ sung các hành vi trên vào tội mua bán người sẽ thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của thai nhi, phù hợp với các giá trị đạo đức và nhân văn.

Ông Nguyễn Công Long, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, nếu như mua bán người, một người đã được sinh ra rồi- trẻ em, đưa qua biên giới sẽ rất khó khăn. Bằng các thủ đoạn rất xảo quyệt ở chỗ là mua bán sớm giai đoạn bào thai. Bởi vậy, chúng ta cần có các biện pháp để ngăn chặn. Rõ ràng luật chuyên ngành cần thiết quy định rất cụ thể để có thể tạo ra những cơ sở pháp lý để xử lý được. Muốn như vậy thì luật chuyên ngành đó phải xác định tình trạng pháp lý của thai nhi.

Việc bổ sung quy định về việc mua bán thai nhi vào dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi là cần thiết. Như vậy sẽ giúp các cơ quan chức năng dễ dàng áp dụng và thực thi luật; bảo đảm tính răn đe đối với các hành vi vi phạm.

Công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em quy định: Trẻ em bao gồm cả thai nhi cần được bảo vệ ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Việc mua bán thai nhi được coi là một hình thức vi phạm nghiêm trọng quyền con người và quyền trẻ em.

PV (t/h)