Bộ GD&ĐT vừa trình Chính phủ phương án thi THPT quốc gia 2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Theo đó, nếu học sinh có thể đi học trước ngày 15/6 thì vẫn có thể tổ chức kỳ thi này vào tháng 8/2020.

Bộ cũng đưa thêm phương án không tổ chức thi tốt nghiệp tùy thuộc vào tình hình dịch. Tuy nhiên, nhiều đại học lo ngại nếu kỳ thi bị hoãn sẽ gây xáo trộn trong công tác tuyển sinh đầu vào.

PGS.TS Lê Hiếu Học, Phó hiệu trưởng Đại học Phenikaa mong dịch bệnh sớm kết thúc để kỳ thi THPT quốc gia diễn ra đúng kế hoạch, không gây ảnh hưởng đến học sinh lớp 12, trường THPT, Sở GD&ĐT, các trường đại học, cao đẳng.

Các trường đại học chủ động xây dựng kịch các phương án tuyển sinh đầu vào.Các trường đại học chủ động xây dựng kịch các phương án tuyển sinh đầu vào.

Trong trường hợp xấu nhất, các địa phương sẽ sử dụng phương án xét tốt nghiệp để thay thế kỳ thi THPT quốc gia và dùng học bạ xét tuyển vào đại học. Tuy nhiên, điểm khó khăn lớn nhất khi thực hiện phương án này chính là làm thế nào để giải tỏa được tâm lý e ngại, sợ thiếu khách quan trong việc đánh giá kết quả học tập THPT của học sinh giữa các địa phương trong cả nước.

Theo ông Học, năm nay nếu không thi THPT quốc gia thì sẽ ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của các trường đại học. Thời gian năm học 2019-2020 không còn nhiều, các trường khó có thể kịp tính toán, xây dựng kế hoạch tuyển sinh theo phương thức mới một cách hoàn thiện, đảm bảo lượng.

"Tôi ủng hộ nên giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia để các trường yên tâm tuyển sinh", ông nói.

Đại học Phenikaa đang cho rà soát lại đề án tuyển sinh, đánh giá cơ cấu chỉ tiêu tuyển sinh theo từng phương thức xét, xây dựng các kịch bản nhằm đảm bảo chất lượng tuyển sinh trong mùa dịch COVID-19. “Chắc chắn trường sẽ không thỏa hiệp chất lượng để tuyển sinh bằng mọi giá”, vị này nhấn mạnh.

Nếu bỏ kỳ thi THPT quốc gia, trường có thể sẽ tham khảo sử dụng kết quả hoặc cùng tổ chức kỳ tuyển sinh riêng với một số trường. Kỳ thi riêng sẽ cân nhắc đến mức độ phù hợp với học sinh, định hướng ngành nghề.

Tuy nhiên nếu kỳ thi được giữ ổn định như các năm trước thì ông tin rằng các trường cũng sẽ không thay đổi, vì hầu hết các cơ sở giáo dục vẫn dành trên 80% chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Điều đó cho thấy kỳ thi này có độ tin cậy cao.

Về lâu dài, PGS Học cho rằng, việc xét hoặc tổ chức thi tốt nghiệp THPT nên giao cho địa phương. Bộ GD&ĐT phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố sẽ xây dựng hành lang pháp lý, thực hiện vai trò chỉ đạo, giám sát, thanh tra để việc này được thực hiện đúng quy định, đảm bảo chất lượng và trách nhiệm với xã hội.

Song song với đó, các trường hoàn toàn chủ động xây dựng phương án thi tuyển riêng hoặc dựa trên kết quả học tập THPT, hay dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá kiến thức, năng lực tổng hợp của tổ chức khảo thí độc lập.

Để làm được việc đó, chúng ta cần một ngân hàng đề thi đủ lớn phù hợp về nội dung, hình thức thi; có cùng hạ tầng công nghệ thông tin để tổ chức thi ở nhiều nơi, nhiều đợt thi, giống như các kỳ thi SAT hay ACT của Mỹ.

Theo VTC