1. Bốn điều kiện hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh được ghi nhận vào hệ thống đăng ký doanh nghiệp
Hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh là một cấu phần của Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng và vận hành để gửi, nhận, lưu trữ, hiển thị hoặc thực hiện các nghiệp vụ khác đối với dữ liệu hộ kinh doanh để phục vụ công tác đăng ký hộ kinh doanh.
(Theo khoản 3 Điều 1a Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT)
Căn cứ Điều 5a Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT), hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh được tiếp nhận vào hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh khi đáp ứng 04 điều kiện sau:
(i) Có đủ giấy tờ theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Xem chi tiết hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh tại Mục 2.
(ii) Thông tin của hộ kinh doanh đã được kê khai đầy đủ vào các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh.
(iii) Có địa chỉ liên lạc của người nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh.
(iv) Đã nộp đủ lệ phí đăng ký hộ kinh doanh.
Tóm lại, hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh sẽ được tiếp nhận vào hệ thống khi đáp ứng đủ 04 điều kiện: (1) có đầy đủ giấy tờ theo quy định. (2) thông tin của hộ kinh doanh phải được kê khai đầy đủ trong hồ sơ. (3) có địa chỉ liên lạc của người nộp hồ sơ. (4) lệ phí đăng ký hộ kinh doanh phải được nộp đầy đủ.
>> Xem thêm thông tin “Lệ phí thành lập hộ kinh doanh là bao nhiêu?” tại Mục 3 bài viết: Lệ phí đăng ký hộ kinh doanh có được hoàn trả nếu không được cấp giấy đăng ký?
Bốn điều kiện hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh được ghi nhận vào hệ thống đăng ký doanh nghiệp (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
2. Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh
Căn cứ khoản 2 Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh (theo Phụ lục III-1 ban hành kèm theo Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT).
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
- Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
- Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
Lưu ý: Giấy tờ pháp lý của cá nhân trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bao gồm:
(i) Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực.
(ii) Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.
(Điều 11 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)
>> Xem thêm Công việc pháp lý: Đăng ký thành lập hộ kinh doanh
3. Nơi nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh tại Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh.
Lưu ý: Phòng Tài chính - Kế hoạch không được yêu cầu người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh nộp thêm hồ sơ hoặc giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh nêu bên trên.
(Theo điểm b khoản 1 Điều 14, Điều 85 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)
4. Bốn lưu ý khi đặt tên hộ kinh doanh
Căn cứ Điều 88 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, khi đặt tên hộ kinh doanh cần lưu ý các vấn đề sau:
(i) Hộ kinh doanh có tên gọi riêng. Tên hộ kinh doanh bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:
- Cụm từ “Hộ kinh doanh”.
- Tên riêng của hộ kinh doanh.
Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu.
(ii) Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho hộ kinh doanh.
(iii) Hộ kinh doanh không được sử dụng các cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp” để đặt tên hộ kinh doanh.
(iv) Tên riêng hộ kinh doanh không được trùng với tên riêng của hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi cấp huyện.
N. H. Thủy (Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/)